Khó khăn trong phân luồng học sinh sau THCS

09:31 - 04/07/2020

(TTV)- Chỉ thị số 10 năm 2011 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, 70% học sinh vào THPT. Tuy nhiên, kết quả phân luồng học sinh sau THCS tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 5 năm trở lại đây rất thấp.

Năm học 2019 - 2020, huyện Hà Trung có gần 1.200 học sinh khối lớp 9. Nhà trường đã tư vấn cho những học sinh có học lực yếu và một bộ phận học sinh có học lực trung bình lựa chọn các trường nghề sau khi hoàn thành chương trình THCS.

Tuy nhiên, theo thống kê của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Trung, toàn huyện vẫn có tới 90% học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 và chỉ có 10% học sinh lựa chọn học nghề.

Bà Nguyễn Thị Nhung  Hiệu trưởng Trường THCS Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa  (nhà trường có 38 học sinh lớp 9, trong đó có 64% học sinh trung bình, yếu. Tuy nhiên chỉ phân luồng được 1 học sinh không thi THPT mà đi học nghề. Hiện nay tâm lý phụ huynh vẫn muốn con sau 9 năm THCS sẽ phải vào học cấp 3)
Bà Nguyễn Thị Nhung Hiệu trưởng Trường THCS Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa: "Nhà trường có 38 học sinh lớp 9, trong đó có 64% học sinh trung bình, yếu. Tuy nhiên chỉ phân luồng được 1 học sinh không thi THPT mà đi học nghề. Hiện nay tâm lý phụ huynh vẫn muốn con sau 9 năm THCS sẽ phải vào học cấp 3"

Nhiều năm qua, Thanh Hóa đã đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào chương trình học đối với học sinh THCS. Tuy nhiên, kết quả phân luồng học sinh sau THCS không đạt mục tiêu. 5 năm trở lại đây, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh chỉ phân luồng được khoảng hơn 18% học sinh sau THCS tham gia học nghề. Trong đó, có tới 90% số học sinh theo học tại các trường nghề xuất phát từ nguyên nhân không đỗ vào lớp 10, khối THPT, chỉ có 10% các em lựa chọn học nghề ngay từ ban đầu.

Khó khăn trong phân luồng học sinh sau THCS hiện nay chính là rào cản tâm lý của phụ huynh muốn con nhất định phải tốt nghiệp THPT và thi Đại học, Cao đẳng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do cơ sở vật chất, trang thiết bị, còn thiếu và yếu, các trườnh chưa có đội ngũ chuyên trách công tác hướng nghiệp.

Tiến sỹ Hoàng Văn Thi- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa:  "Những giải pháp trong thời gian tới về tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phụ huynh và đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp "
Tiến sỹ Hoàng Văn Thi- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa: "Thời gian tới, ngành Giáo dục Thanh Hóa sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phụ huynh về việc hướng nghiệp cho các em học sinh sau THCS, đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp"

Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS là một trong những nội dung quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nếu làm tốt công tác này, sẽ góp phần hạn chế lãng phí về thời gian, chi phí của mỗi gia đình và xã hội.

Theo THNM 4/7/2020