Khó khăn trong phát triển doanh nghiệp mới ở khu vực miền núi Thanh Hóa

23:40 - 19/08/2018

(TTV) - Từ đầu năm đến nay, khu vực vùng miền núi Thanh Hóa có 213 doanh nghiệp được thành lập mới, đạt 55% kế hoạch năm và giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. Do đặc thù địa hình, điều kiện giao thông, nguồn lao động không thuận lợi, nên việc thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển mới doanh nghiệp tại các huyện miền núi đang gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và các hộ kinh doanh tại các địa phương.

Sau 6 năm hoạt động theo mô hình tổ hợp tác, đầu năm 2018, được sự tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, ông Cao Văn Sơn, ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, quyết định chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Từ chỗ chỉ nhận gia công sản phẩm, hiện nay, doanh nghiệp này đã có thể xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang thị trường Đài Loan.  

Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, huyện Thường Xuân đã thành lập mới được 15 doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp mới thành lập đã sớm đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn huyện chỉ đạt 50% kế hoạch. Việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp tại địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn của Thường Xuân cũng khó khăn chung mà nhiều huyện miền núi đang gặp phải trong công tác phát triển doanh nghiệp. Theo báo cáo của Sở kế hoạch và đầu tư, tính đến giữa tháng 8, khu vực vùng miền núi Thanh Hóa có 213 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 55% kế hoạch năm và giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. 7 trong số 11 huyện miền núi có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2017, các huyện như: Lang Chánh, Mường Lát, Cẩm Thủy đạt thấp, dưới 50% chỉ tiêu kế hoạch năm. Hiện các huyện miền núi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp đã đề ra.

 
 

Trên thực tế hiện nay, trình độ năng lực quản lý của các chủ doanh nghiệp tại địa bàn huyện miền núi còn rất hạn chế. Do đó, cùng với việc phát triển về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, các huyện miền núi, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng, nhân lực, để hoạt động thực sự hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Thanh Thảo – Quang Hòa