Khó khăn trong phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt

08:56 - 08/04/2021

(TTV) - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, diện tích ao, hồ, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các hộ vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, đầu ra cho sản phẩm nên hiệu quả kinh tế vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

 

Gia đình ông Vũ Văn Lan, thôn Ngọc Chuế, xã Hà Châu, huyện Hà Trung đầu tư 1,5 ha ao nuôi cá nước ngọt theo hình thức bán thâm canh. Quân bình mỗi năm ông thu hoạch 2 vụ, được 30 tấn cá. Nếu năm nào được giá, đầu ra thuận lợi, ông thu lãi trên 200 triệu đồng, còn không may mưa bão, dịch bệnh, đầu ra không ổn định có khi hòa vốn. Hiện trên 15 tấn cá đã quá kỳ xuất bán nhưng gia đình ông vẫn chưa xuất bán được vì chưa có đầu ra.

Thanh Hóa hiện có trên 14 nghìn ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, với sản lượng trên 33.000 tấn/năm. Đối tượng nuôi tập trung là các loại cá truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép, cá rô phi. Trong những năm qua, mặc dù các địa phương trong tỉnh đã chú trọng, quy hoạch cải tạo ao hồ, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nhưng do cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ nên chưa kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm. Hệ thống thủy lợi tại một số vùng nuôi còn chung với sản xuất nông nghiệp nên việc điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản lượng vụ nuôi. Các hộ cũng chưa mạnh dạn đầu tư nuôi thâm canh mà chủ yếu nuôi với hình thức quảng canh, bán thâm canh, tự phát, nhỏ lẻ trong ao hồ, ruộng trũng nên năng suất, chất lượng thấp, đầu ra không ổn định.

Để nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Thanh Hóa thực sự đem lại giá trị hiệu quả cao, thì chính quyền các địa phương cần hỗ trợ, khuyến khích các hộ đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng ao nuôi, hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó hỗ trợ các nhóm, hộ nuôi trồng thủy sản liên kết thành lập các hợp tác xã để hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật, từ đó nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định, bền vững./.

Theo Lan Hương - Linh Sơn/ Bản tin Thanh Hóa ngày mới 8/4