Kho lương thực bí mật trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có một địa danh đã đi vào lịch sử đó là Kho Lược, kho lương thực bí mật phục vụ cho chiến dịch, nay thuộc thôn Yên Lược xã Thuận Minh huyện Thọ Xuân. Thời điểm đó, để đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân trong xã đã thực hiện "ba không": không nói, không biết, không chỉ. Nhờ đó trong suốt 4 năm từ 1951 đến 1954, hệ thống Kho Lược được bảo vệ an toàn, không bị máy bay ném bom bắn phá.

Từ năm 1951, theo yêu cầu của các mặt trận Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, Hội đồng cung cấp tiền phương tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ đã cho xây dựng hai khu vực kho trạm trung chuyển là Yên Lược và Cẩm Thủy. Hai làng Long Thịnh và Yên Lược của xã Thuận Minh huyện Thọ Xuân đã trở thành kho trung chuyển của tiền phương. Đình làng Yên Lược là một trong hai điểm tập kết trung chuyển hàng hóa của tỉnh. 

Kho lương thực bí mật trong chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Để cất giấu lương thực, vũ khí, hàng chục gia đình của xã đã tình nguyện nhường các gian nhà cho Nhà nước làm kho chứa. Nhà nghiên cứu lịch sử Phan Văn Thanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân cho biết: “Lý do mà Ủy ban Nhân dân tỉnh chọn Yên Lược để xây dựng hệ thống kho trung chuyển vì thứ nhất là Yên Lược có hệ thống đường thủy và đường sông rất thuận lợi. Từ đường sông, dọc theo sông Chu từ dưới lên hoặc từ trên xuống đều có nơi cập bến rất thuận lợi; và từ đây vận chuyển lên trên bờ là gặp đường tỉnh lộ rất thuận lợi nối thông với Quốc Lộ 15 đi lên Mộc Châu,  Sơn La, Điện Biên Phủ". 

Kho lương thực bí mật trong chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Phẩm ở thôn Yên Lược.

Căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Phẩm ở thôn Yên Lược trong một thời gian dài từng là nơi cất giấu lương thực cho chiến dịch và nuôi giấu bộ đội, thương binh. Mẹ sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hiểm nguy để dành gạo cho chiến trường và nuôi bộ đội. Giờ đây, mẹ đã khuất núi nhưng câu chuyện về những hy sinh thầm lặng và công lao to lớn của Mẹ vẫn là niềm tự hào với thế hệ con, cháu hôm nay. Bà Phạm Thị Xuyến, thôn Yên Lược, xã Thuận Minh, huyện Yên Định kể lại: "Bà kể năm 1954 cất giấu rất nhiều lương thực trong nhà mình nhưng mà không dám lấy ăn, cửa rất nhiều nhưng lúc nào cũng khóa kín lại. Ông chú em ông nội cũng kể lại là bà con khổ lắm, vừa làm ông vừa làm bà, vừa làm cha vừa làm mẹ, mà lại còn cất cho người ta nhiều thứ ở trong buồng ông lo lắm, sau mới nghe nói là cất giấu lương thực".

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", xã Thuận Minh khi ấy còn là nơi qua lại, tạm trú của hàng vạn dân công. Những người cao tuổi trong xã giờ vẫn nhớ và kể lại câu chuyện về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ của mỗi gia đình lúc bấy giờ. 

Kho lương thực bí mật trong chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 3.

Dấu tích của kho lương thực được cất giấu trong từng nhà dân ngày nay không còn nữa, nhưng những câu chuyện thì vẫn được lưu truyền với một niềm tự hào vì thế hệ ông, bà đi trước đã đóng góp công sức cùng Nhân dân Thanh Hóa hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn. Ông Vũ Đình Tám, Chủ tịch UBND xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhân dân cũng đùm bọc bọc lẫn nhau, trong đó có nhà tự nguyện đi ở nơi khác để dành nhà của mình cho đội du kích tập kết vũ khí và lương thực. Từ năm 1951 đến năm 1954, việc bảo vệ của lương thực và khu vũ khí ở trên mảnh đất Thuận Minh lúc đó được bảo vệ an toàn".

Kho lương thực bí mật trong chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 4.

Bến sông của làng Yên Lược 70 năm trước, mỗi ngày, hàng chục đoàn dân công gánh bộ, xe thồ, thuyền nan đưa hàng xuống rồi lại chuyển hàng lên. Từ đây, từng đoàn dân công hoả tuyến, ngày đêm hối hả cùng nhau "chị gánh, anh thồ", vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Điện Biên Phủ.

Kho lương thực bí mật trong chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 5.

Bến sông xưa vẫn còn đó soi bóng một làng quê yên bình. Tên đất, tên làng Yên Lược vẫn còn là minh chứng về những hy sinh, cống hiến thầm lặng và vô tư của người dân 70 năm trước, góp phần làm nên một con đường huyền thoại mà kẻ thù cũng không ngờ tới: con đường tải lương lên Điện Biên.

Nguồn: Bản tin thời sự tối ngày 19/4/2024