Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025, huyện Triệu Sơn lựa chọn phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là khâu đột phá. Tuy nhiên, để thực hiện khâu đột phá này, khó khăn lớn nhất là việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường giao thông, bởi liên quan đến nhiều hộ dân, với diện tích đất lớn, nếu đền bù theo quy định thì sẽ không có khả năng cân đối tài chính. Nhằm tháo gỡ khó khăn này, ngày 22/7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Chỉ sau chưa đầy 2 năm, Nghị quyết đã đi sâu vào đời sống, được đông đảo cán bộ, Đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo nên một phong trào mạnh mẽ trên địa bàn toàn huyện góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu của Nghị quyết số 12 là vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo tiền đề, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện được cuộc vận động này, huyện Triệu Sơn xác định cần phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, Đảng viên, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân để tạo thành phong trào có sức lan tỏa trên địa bàn toàn huyện. 

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 1.

Nghị quyết cũng xác định: trong quá trình thực hiện, phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích xã hội và lợi ích của người dân; kết hợp nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Nhà nước với nguồn lực đóng góp của Nhân dân; Nhân dân hiến đất, Nhà nước đầu tư xây dựng, mở rộng đường giao thông, gắn với thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng phát triển đô thị. Nghị quyết cũng đề ra tiêu chí cụ thể cho từng loại đường để vận động Nhân dân hiến đất. Theo đó, đối với đường huyện mặt đường tối thiểu rộng 10,5m, đường xã mặt đường tối thiểu rộng 7,5m, đường thôn mặt đường tối thiểu rộng 6,5m, đường ngõ xóm mặt đường tối thiểu rộng 4,5m.

Ông Trần Quốc Đan, thôn 5, xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn cho biết: "Đường của chúng tôi trước đây khoảng tầm 3,3m đến 4m, đổ bê tông chỉ được có 3m đến 2,5m. Nhưng đến bây giờ, chương trình Nông thôn mới của Đảng, Nhà nước đưa ra, thôn đã mở đường ra 6,5m. Trước đây đường hẹp, khó đi nhưng bây giờ xe về quay đầu trong làng cũng bình thường".

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 2.

Bước vào thực hiện Nghị quyết số 12, thời gian đầu hầu hết các địa phương trong huyện đều gặp khó khăn, bởi liên quan đến nhiều hộ gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của họ, trong bối cảnh giá trị đất đai đang tăng cao. Vì vậy, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người dân hiểu được lợi ích của việc mở rộng đường giao thông, hiểu được trong lợi ích chung của cộng đồng có lợi ích của gia đình mình. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", nhiều cán bộ, đảng viên đã chủ động, tự nguyện hiến đất, phá dỡ công trình, tường rào của gia đình để mở rộng đường cho thôn, xã.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 3.

Nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, cũng như vai trò, trách nhiệm của bản thân, ông Lê Văn Phố, Đảng viên Chi bộ thôn 5, xã Thọ Tiến đã hiến 75m2 đất để mở đường, đồng thời tự nguyện dùng kinh phí của gia đình để xây dựng 100m tường rào, góp phần làm đẹp con đường liên thôn. Ông Lê Văn Phố, thôn 5, xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn cho biết: "Khi Nghị quyết 12 đi vào công việc của mọi người, đường xá đi lại thuận tiện, gia đình tôi cũng như mọi người dân rất hưởng ứng. Gia đình tôi hiến đất cho làng, cho xã và cho xã hội được 100m tường và 75m2 đất ở của gia đình".

Không chỉ hiến đất, hiến công trình, nhiều cán bộ, đảng viên ở huyện Triệu Sơn còn tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động để mở rộng đường giao thông nông thôn; hỗ trợ xây dựng lại tường rào cho các hộ gia đình đã hiến đất.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Đảng uỷ xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn cũng cho biết: "Tôi đã có ý kiến với anh em là Nhân dân đang còn phải bỏ tiền của ra làm được huống hồ mình không dành thời gian và công sức của mình xuống làm, nên tôi mua bay để chia cho anh em xuống làm cùng với gia đình nhà ông Đạt, là nhà đầu tiên hiến đất rất nhiều. Sau đó thì tiếp tục một số hộ neo người nữa cũng đề nghị giúp đỡ, tôi đã nói với các thôn là Nhân dân cứ đồng ý là chúng tôi đến được và chúng tôi đã đến".

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 4.

Với mục tiêu đúng đắn, hợp lòng dân; với cách tổ chức triển khai bài bản, đồng bộ, linh hoạt và nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo thành một phong trào mạnh mẽ với sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, Đảng viên và Nhân dân trong toàn huyện.

Sau 20 tháng thực hiện Nghị quyết, toàn huyện có 15.514 hộ tham gia hiến đất với tổng diện tích đất được hiến là 48,9ha. Từ đó, các địa phương trong huyện mở rộng được trên 462 km đường giao thông nông thôn. Đáng chú ý, ở tất cả 254 thôn trong huyện đều có hộ gia đình hiến đất. Tính riêng năm 2023, Nhân dân trong huyện hiến trên 23 ha đất để mở rộng 212 km chiều dài các tuyến đường. Ngoài ra, các hộ dân còn tự nguyện phá dỡ nhiều công trình kiến trúc, tường rào của gia đình để mở rộng đường giao thông. Tính chung trên địa bàn toàn huyện, tổng giá trị đất được hiến và công trình do các hộ dân tự nguyện phá dỡ để làm đường trong gần 2 năm qua lên đến khoảng 3.000 tỷ đồng, một con số rất lớn.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 5.

Sau khi mở rộng đường, các địa phương trong huyện đã huy động nguồn lực để xây dựng mới cổng, tường rào, mương thoát nước, di dời cột điện, đổ bê tông, láng xi măng, nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, điện chiếu sáng mang lại cảnh quan, môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn. Những con đường mới rộng thênh thang không chỉ làm thay đổi diện mạo làng quê thêm khang trang, sạch đẹp, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là tiền đề quan trọng để Triệu Sơn phát triển theo hướng đô thị hóa, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 6.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Dận vận Huyện uỷ, Chủ tịch UBMTTQ huyện Triệu Sơn

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Dận vận Huyện uỷ, Chủ tịch UBMTTQ huyện Triệu Sơn cho biết: "Khi triển khai Nghị quyết 12 cũng thấy được rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là đánh giá được cán bộ, chỗ nào hiệu quả cao, chỗ nào người dân đồng thuận thì chứng tỏ đó là cán bộ làm hết trách nhiệm, cán bộ tâm huyết, cán bộ bám sát cơ sở. Thứ hai là thấy được cộng đồng dân cư đồng tình ủng hộ sẽ được rất nhiều, không chỉ những là mở rộng đường giao thông nông thôn để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, người dân được thụ hưởng con đường sáng - xanh - sạch - đẹp mà còn góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở".

Những kết quả nêu trên cũng góp phần khẳng định một chân lý: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 7.

Không chỉ tạo được phong trào mạnh mẽ và đem đến những lợi ích vật chất to lớn, gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn còn giúp cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp trong huyện đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm giá trị, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay. Có thể thấy: công tác dân vận chính quyền đã được huyện Triệu Sơn vận dụng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả để huy động được sức dân hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, đó còn là bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; sự triển khai đồng bộ, phân công cụ thể rõ người, rõ việc. Trong quá trình thực hiện có kiểm tra, giám sát, có vận động và noi gương.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong- Ảnh 8.

Với quan điểm, dễ làm trước, khó làm sau, huyện Triệu Sơn đã làm theo cách lấy ngõ làm mẫu cho thôn, lấy thôn làm mẫu cho xã, lấy xã này chia sẻ cho xã khác. Vì vậy phong trào nhanh chóng có sự lan toả, tạo được sự đồng thuận cao, phát huy quyền làm chủ và sức mạnh của Nhân dân. Đặc biệt, thực tiễn sinh động tại Triệu Sơn trong gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 12 cũng đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực, gần dân, hiểu dân hơn; làm cho người dân tin tưởng hơn đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Đây sẽ là nguồn sức mạnh quan trọng để Triệu Sơn tiến lên trên chặng đường phía trước.

Nguồn: Chuyên mục Đảng trong cuộc sống ngày 5/4/2024