Không để di tích "ngủ quên" trước dịch COVID-19

11:05 - 13/10/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh, các di tích, danh thắng, bảo tàng và những điểm đến khác tại Hà Nội phải tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, dù "cửa đóng, then cài" nhưng nhiều đơn vị vẫn nỗ lực hoạt động, sáng tạo đa dạng hình thức tiếp cận di sản để các điểm đến không rơi vào trạng thái "ngủ quên".

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nỗ lực đưa di tích đến gần hơn với công chúng trong thời gian dịch bệnh. Ảnh: LĐO
Văn Miếu - Quốc Tử Giám nỗ lực đưa di tích đến gần hơn với công chúng trong thời gian dịch bệnh. Ảnh: LĐO

Đưa di sản đến gần công chúng

Nhà tù Hỏa Lò là địa điểm được kênh CNN xếp hạng đứng đầu trong top 5 điểm đến đáng sợ nhất Đông Nam Á, nơi đây từng tấp nập khách tham quan khi dịch bệnh chưa xuất hiện. Thế nhưng, gần hai năm nay, vì dịch COVID-19, Nhà tù Hỏa Lò trở nên vắng vẻ, thưa thớt khách tới tham quan. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, mới đây, Ban quản lý di tích này đã có những sáng kiến quảng bá khá hiệu quả, được lòng đông đảo giới trẻ và cả khách nước ngoài.

Từ cuối tháng 7, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chính thức ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify sau một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị. Kênh phát thanh gồm nhiều podcast (chuỗi các tập tin âm thanh hoặc video số) được Ban Quản lý di tích trực tiếp thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm. Mục đích mang lại những câu chuyện hay và những trải nghiệm đáng nhớ cho công chúng. Theo đó, toàn bộ podcast đều miễn phí cho mọi tài khoản Spotify (cả tài khoản miễn phí và tài khoản trả phí). Chỉ cần gõ từ khóa “HoaLoPrisonRelic” trên ứng dụng Spotify và nhấn “theo dõi”, là công chúng có thể du hành thời gian, trôi theo dòng lịch sử.

Cách đây không lâu, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa ra mắt Dự án không gian văn hóa Quốc Tử Giám, với mục tiêu hình thành một không gian mở, nơi hội tụ những ý tưởng, sáng kiến độc đáo, phát huy hiệu quả giá trị di sản từ những người yêu di tích. Chỉ trong thời gian ngắn, dự án đã nhận được hàng nghìn lượt đăng ký, tương tác qua các thông tin đăng tải về lịch sử, truyền thống khoa bảng… được lưu giữ tại không gian văn hóa đặc biệt này.

Bên cạnh các hoạt động thường xuyên được triển khai trong thời gian dịch bệnh, như: Số hóa di sản tại di tích, đẩy mạnh liên kết với các điểm đến di sản lân cận, ứng dụng công nghệ quảng bá sản phẩm… thì đây là một trong những tìm tòi, sáng tạo của Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thể hiện sự nỗ lực trong việc đưa di tích đến gần hơn với công chúng.

Tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đơn vị này cũng đã chuyển sang tổ chức theo hình thức online với các triển lãm, trưng bày khi mà hiện nay không thể thực hiện theo cách trưng bày thực tế. Trung tâm đã tổ chức ba triển lãm trực tuyến mang tên: “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Môn”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”, “Trung thu sum vầy”. Cách thức trưng bày triển lãm tạo được dấu ấn nhất định nhờ sự sáng tạo trong thiết kế, giới thiệu, hài hòa giữa hình ảnh và thông tin, lớp lang theo dòng lịch sử, đa dạng về tư liệu.

Ngoài giới thiệu các triển lãm, Trung tâm còn giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước.

Vượt khó sau cánh cửa đóng

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, thời điểm đóng cửa di tích là quãng thời gian lắng lại để tập trung nghiên cứu, đổi mới hoạt động, xây dựng các sản phẩm tham quan, trải nghiệm hiệu quả hơn. Giá trị của Văn Miếu là ở truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài. Đổi mới tức là tìm cách đưa giá trị đó đến gần hơn những người tham quan, ứng xử với di tích bằng những biện pháp mới mẻ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, trong điều kiện các di tích tạm dừng đón khách, cán bộ, nhân viên của Trung tâm vẫn tích cực trong công tác quảng bá giá trị di sản, thu hút khách du lịch bằng phương thức giới thiệu qua hình thức trực tuyến. Sau khi Trung tâm thực hiện theo phương thức này, khá nhiều du khách đã truy cập vào trang trưng bày trực tuyến để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long. Điều đó cũng khích lệ đơn vị trong việc tích cực quảng bá, phát huy giá trị khu di sản và tìm nhiều phương thức mới để tiếp cận với công chúng.

Theo đại diện Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, dù tạm dừng đón khách nhưng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý vẫn tích cực làm việc, hoàn thiện kịch bản, nội dung và vận hành thử sản phẩm mới để kịp ra mắt du khách khi di tích được mở cửa trở lại. Với sự xuất hiện độc quyền trên Spotify, Ban quản lý di tích cho biết thêm rằng đây là một sự bứt phá ngoạn mục, giúp thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử Việt Nam một cách dễ dàng hơn.

Cùng với di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà tù Hỏa Lò, các bảo tàng trên địa bàn Hà Nội cũng đã và đang trải qua quãng thời gian khá dài dừng đón khách tham quan. Tuy nhiên, đây là cơ hội để các điểm đến tranh thủ thời gian tập huấn công tác chuyên môn; đổi mới, hoàn thiện các sản phẩm tham quan, trải nghiệm… sẵn sàng đón khách trở lại. 

Thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19, Bảo tàng Hà Nội dồn sức cho việc thiết kế, thi công khu trưng bày mẫu, với chủ đề “Thiên nhiên Hà Nội”. Đây là một trong 7 chủ đề trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt. Sau khi hoàn thiện, công chúng sẽ được tham quan, tìm hiểu những nét đặc trưng trong sự đa dạng của thiên nhiên Hà Nội thông qua hệ thống tư liệu phong phú, đặc sắc cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có nhiều văn bản yêu cầu các bảo tàng, di tích tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng phục vụ công chúng và du khách ngay khi được phép mở cửa trở lại. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Vệ sinh khử khuẩn các phòng, ban, khu vực làm việc; bố trí nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí cho du khách, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, nhân viên, người lao động tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Theo Báo Lao động