Không thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học tại trại nuôi hổ Thọ Xuân

07:51 - 08/08/2018

(TTV) - Liên quan đến vụ việc 11 cá thể hổ được nuôi tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến ở Cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa là không cấp giấy chứng nhận thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và giấy phép nuôi hổ cho chủ trang trại. Như vậy, số hổ này sẽ phải chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc cơ sở nuôi có đủ điều kiện.

 

Trại nuôi hổ tại Cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân có 11 cá thể hổ thưởng thành
Trại nuôi hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến tại Cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân có 11 cá thể hổ thưởng thành

Trại nuôi hổ tại Cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân có 11 cá thể hổ thưởng thành. Sau khi hết hạn cấp phép, hơn 1 năm nay chủ trại vẫn phải duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng các cá thể hổ với chi phí mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng. Trước văn bản trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trang trại sẵn sàng chuyển giao số hổ này theo quy định.

Ông Lê Đình Toàn, quản lý trại nuôi hổ xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân: Về quy định của các cơ quan chức năng, chúng tôi sẵn sàng thực hiện, nhưng chúng tôi mong muốn được bồi hoàn kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng từ ban đầu cho đến nay.
Ông Lê Đình Toàn, quản lý trại nuôi hổ xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân: Về quy định của các cơ quan chức năng, chúng tôi sẵn sàng thực hiện, nhưng chúng tôi mong muốn được bồi hoàn kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng từ ban đầu cho đến nay.

Trại nuôi hổ này được hình thành từ năm 2007, năm 2012 được Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép nuôi với thời hạn 5 năm, từ tháng 5/2012-5/2017. Do trại không đủ các điều kiện cấp phép gia hạn, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tổ chức các hội thảo, tham vấn các ngành, đơn vị chuyên môn và thống nhất báo cáo UBND tỉnh: Không tịch thu các cá thể hổ vì không đủ căn cứ pháp lý; không thực hiện chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ vì thực tế trước đó Chi cục kiểm lâm đã gửi công văn tới 4 Trung tâm nhưng không đơn vị nào tiếp nhận. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận  thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và cấp giấy phép nuôi hổ cho chủ trại tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, trên cơ sở hoàn thiện các điều kiện cần thiết. Tuy nhiên mới đây, các Bộ đã có văn bản trả lời: Không cấp giấy chứng nhận thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và cấp giấy phép nuôi hổ cho Trại nuôi hổ tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân; đồng thời đề nghị các ngành chức năng của Thanh Hóa vận động Chủ trại nuôi chuyển giao số Hổ này cho các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc cơ sở nuôi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ông Trịnh Quang Tuấn, phụ trách phòng bảo tồn thiên nhiên-Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đấu mối với các Trung tâm cứu hộ, đơn vị bảo tồn trên cả nước để chuyển giao số hổ này sau khi đạt được thỏa thuận giữa chủ trại nuôi hổ và các đơn vị.
Ông Trịnh Quang Tuấn, phụ trách phòng bảo tồn thiên nhiên-Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đấu mối với các Trung tâm cứu hộ, đơn vị bảo tồn trên cả nước để chuyển giao số hổ này sau khi đạt được thỏa thuận giữa chủ trại nuôi hổ và các đơn vị.

Khó khăn hiện nay là: chủ trại đồng ý chuyển giao 11cá thể hổ cho các trung tâm, đơn vị theo quy định với điều kiện được hỗ trợ số kinh phí mà họ đã bỏ ra để  nuôi dưỡng, chăm sóc, nhưng các trung tâm, đơn vị chỉ đồng ý tiếp nhận các cá thể hổ với điều kiện không bồi hoàn. Về phía Nhà nước cũng chưa có chính sách nào để hỗ trợ các trường hợp này. Vì vậy, việc đấu mối, liên hệ với các đơn vị để đạt được sự thỏa thuận còn cần thêm thời gian. Hiện tại, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho các cá thể hổ và dân cư xung quanh vẫn phải tiếp tục tăng cường, thường xuyên.

Thanh Tâm-Quốc An