Kiếm bộn tiền nhưng rượu bia, thực phẩm ở Việt Nam vẫn như... ngôi làng!

12:06 - 24/09/2020

Theo các chuyên gia Vietnam Report, ngành đồ uống và thực phẩm Việt Nam tuy tăng trưởng rực rỡ nhưng như một "ngôi làng" do thiếu sự quy hoạch đồng bộ, thiếu cơ quan chủ quản, mạnh ai người đó làm.

Hai cơn bão lớn: Nghị định 100 và đại dịch Covid-19

Theo đánh giá của Vietnam Report, thực phẩm và đồ uống (F&B) nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhiều năm nay luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Dự báo, ngành FMCG tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020-2025.

 

Kiếm bộn tiền nhưng rượu bia, thực phẩm ở Việt Nam vẫn như... ngôi làng! - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ngành thực phẩm và đồ uống ở Việt Nam phát triển mạnh nhưng còn thiếu quy hoạch đồng bộ, mạnh ai nấy làm... (ảnh minh hoạ: AFP)

Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định là điểm sáng soi rõ những cơ hội và cả những thách thức lớn đối với ngành FMCG nói chung và F&B nói riêng. Đó là các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP mở ra cơ hội xuất khẩu, lượng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thu hút phát triển và chuyển giao công nghệ. Đó là bài toán cải thiện môi trường kinh doanh với hệ thống luật pháp, cơ sở hạ tầng, giao thông hay các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững…

Tuy nhiên, theo báo cáo này thì mặc dù đang trong quá trình phát triển rực rỡ nhưng ngành F&B tại Việt Nam hiện được ví như một “ngôi làng” do thiếu sự quy hoạch đồng bộ, thiếu cơ quan chủ quản, mạnh ai người đó làm…

“Ngôi làng” này năm nay vừa trải qua 2 cơn bão lớn là Nghị định 100 và đại dịch Covid-19. Trong khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong ngành do Vietnam Report tiến hành tháng 8/2020, khoảng 50% số doanh nghiệp cho rằng, hoạt động bị tác động ở mức độ nghiêm trọng, trong đó, nhóm đồ uống có cồn bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả do còn chịu tác động của Nghị định 100.

Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh đối với các nhóm sản phẩm trong ngành cũng có sự khác biệt đáng kể.

Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng trên 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh… trong khi đó, 63,7% khách hàng đã cắt giảm chi tiêu cho bia, rượu.

Theo đó, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh công suất hoạt động cho phù hợp. Trả lời khảo sát, đại diện một số doanh nghiệp trong ngành thực phẩm chia sẻ rằng, họ đã tăng công suất hoạt động lên khoảng 30% để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trái lại, năng lực sản xuất của nhóm doanh nghiệp đồ uống hiện chỉ hoạt động chủ yếu ở mức dưới 80% so với trước đại dịch.

Học được gì từ các cú sốc?

Vietnam Report cho rằng, Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu của ngành F&B, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự.

 

Kiếm bộn tiền nhưng rượu bia, thực phẩm ở Việt Nam vẫn như... ngôi làng! - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất nói chung của doanh nghiệp

Hoạt động bán lẻ của ngành diễn ra qua những kênh sau: truyền thống, hiện đại, nhà hàng và chuỗi bán lẻ riêng của từng hãng (nếu có); trong đó kênh truyền thống chiếm tỷ trọng đa số.

Đối mặt với một cú sốc như Covid-19, 85% doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan đến việc phân phối, logistics: nhu cầu thực phẩm thiết yếu, đóng gói tăng cao nhưng lượng hàng lưu kho không đủ, doanh nghiệp phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong khi các nhà hàng đóng cửa khiến mức tiêu thụ đồ uống giảm xuống…

94,7% doanh nghiệp đã nhận ra điểm yếu này và đang điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng và mạng lưới phân phối của mình để có thể thích nghi với khủng hoảng. Đây cũng là một trong những hành động ưu tiên của ngành ứng phó với tác động của Covid-19.

Một số biện pháp mà các doanh nghiệp đã áp dụng có thể kể đến như: nhận đặt hàng/giao hàng tại nhà, tăng cường kênh giao nhận…

Một khó khăn khác nữa mà doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt chính là việc quản trị nhân sự khi số lượng lao động sử dụng khá lớn, vấn đề đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc, phân chia lao động hợp lý… Bên cạnh đó là việc đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu do không chủ động được nguồn cung.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp F&B lớn cho biết, quy mô doanh nghiệp trong ngành còn khá phân mảnh, tiềm lực tài chính yếu cho nên khi gặp một cú sốc lớn như Covid-19 họ thường sa vào vòng luẩn quẩn do phải xử lý dòng tiền, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí…

Thế nhưng về cơ bản, nhu cầu ăn uống của con người là khó thay đổi, khi chúng ta chấp nhận “sống chung với bão”, doanh nghiệp lại đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự, sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường… Điều quan trọng là doanh nghiệp học được gì từ những cú sốc như thế này?

Theo đó, 68,4% doanh nghiệp trong ngành cho rằng, Covid-19 đã tạo ra cú huých đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Bằng chứng là những doanh nghiệp đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất và quản lý tỏ ra rất vững vàng trong khủng hoảng.

Trừ những công nhân trực tiếp sản xuất tại nhà máy buộc phải làm luân phiên theo ca, tất cả các hoạt động khác của doanh nghiệp đều có thể điều khiển và giám sát từ xa thông qua các phần mềm, ứng dụng và hệ thống camera từ xuất, nhập kho, giao nhận, bán hàng, phân phối hay các cuộc họp trực tuyến kết nối các chi nhánh trên khắp cả nước…

Thêm vào đó, 63,2% doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội để đẩy nhanh đổi mới sáng tạo. Đổi mới từ hệ thống phân phối: điều chỉnh tỷ trọng giữa kênh truyền thống và kênh hiện đại, phát triển các ứng dụng tăng cường trải nghiệm khách hàng khi mua sắm, đổi mới từ thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường, đổi mới từ phát triển các dòng sản phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch hơn…

Mai Chi/ Dân trí