Làm giàu từ nghề chế biến cá khô

08:38 - 13/10/2019

(TTV) - Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Tĩnh Gia, nhận thấy nguồn nguyên liệu hải sản dồi dào, chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Liên Thành, xã Hải Châu đã mạnh dạn đầu tư cơ sở chế biến cá trỏng khô. Trải qua nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nhạy bén, linh hoạt, cơ sở chế biến cá khô của gia đình chị luôn duy trì phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Trung bình mỗi năm chế biến và bán ra thị trường hơn 200 tấn cá trỏng khô với tổng doanh thu gần 10 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi 1 tỷ đồng là kết quả của sự nỗ lực lao động không ngừng của gia đình chị Hòa trong nhiều năm qua. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Hòa còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương.

Nhiều năm trước đây, gia đình chị Hòa chủ yếu sinh sống bằng nghề buôn bán cá khô. Sản phẩm chủ yếu được nhập từ các tỉnh ngoài về bán, qua nhiều tay thương lái nên lợi nhuận không đáng kể. Năm 2009, chị Hòa đã quyết định xin nhận thầu 4000m2 đất của xã làm nhà xưởng chế biến cá khô. Với số vốn vay ngân hàng 300 triệu đồng ban đầu, chị đã đầu tư xây nhà xưởng với các trang thiết bị phục vụ chế biến như lò hấp cá, máy sàng cá, kho bảo quản… Diện tích đất còn lại, chị Hòa bố trí làm sân phơi cá.

Để có kỹ thuật chế biến, chị đã chịu khó đến thăm và học tập kinh nghiệm các dây chuyền chế biến cá khô ở Nghệ An. Theo kinh nghiệm của chị, để chế biến sản phẩm cá khô ngon, chất lượng, yếu tố quan trọng nhất là cần nguồn cá tươi. Vì vậy, chị đã đấu mối với các chủ tàu tại địa phương và một số tàu khai thác trong tỉnh đặt mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, các khâu chế biến cá khô luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do sản xuất đảm bảo chất lượng, cộng với sự năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên sản phẩm cá trỏng khô của gia đình chị được các thương lái đặt mua ổn định, bán cho các tỉnh trong nước và Trung Quốc. Đây cũng được xem là mô hình kinh tế điển hình đang được địa phương nhân rộng.

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới/TTV