Làng nghề đúc đồng Trà Đông – Cần nắm bắt cơ hội trở thành điểm sáng du lịch làng nghề

19:00 - 09/10/2018

(TTV) - Vừa qua, nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè , hay còn gọi là làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây không chỉ là niềm vui lớn đối với người dân làng nghề, mà còn là cơ hội để phát triển nơi đây trở thành điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn của tỉnh.

 

Làng nghề đúc đồng Trà Đông có từ xa xưa và đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Vài thập niên trở lại đây, đặc biệt là sau khi phục chế thành công trống đồng Đông Sơn, làng nghề này khởi sắc trở lại. Hiện nay, làng Trà Đông  có khoảng 130 cơ sở,  hộ gia đình đang làm nghề đúc đồng truyền thống, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động.

Ngoài đúc trống đồng, làng nghề còn sản xuất nhiều sản phẩm như: Đồ thờ cúng, mỹ nghệ, đồ gia dụng và các chi tiết máy móc. Tất cả các công đoạn sản xuất tại làng nghề đều được làm thủ công. Trong đề án phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, làng nghề Trà Đông được lựa chọn là 1 trong những điểm để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức và khai thác các sản phẩm du lịch ở làng nghề này vẫn còn rất nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và kết nối sản phẩm du lịch.   

Ông Trần Ngọc Tùng - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Thiệu Hóa: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề trên các kênh thông tin. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Ông Trần Ngọc Tùng - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Thiệu Hóa: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề trên các kênh thông tin. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Việc nghề đúc đồng cổ truyền của làng Trà Đông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là một cơ hội lớn để quảng bá, xây dựng thương hiệu cho làng nghề và phát triển nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch làng nghề.

Tuy nhiên, cơ hội sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu không biết nắm bắt, tận dụng tốt.

 Mai Phương – Quang Phú