Lắng nghe, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học để kéo giảm tai nạn giao thông

15:26 - 03/12/2021

Các nhà quản lý, các tổ chức cần chủ động phối hợp, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chọn lọc những quan điểm giải pháp hợp lý, đưa vào chương trình hành động, qua đó chuyển tải những tri thức mới nhất của thế giới vào đời sống thực tế, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông tại Việt Nam.

 

Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam lần thứ 7 năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP/PT
Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam lần thứ 7 năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP/PT

Sáng 3/12, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam lần thứ 7 năm 2021 theo hình thức trực tuyến nhằm công bố, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam lần thứ 7 có 64 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 53 công trình đã được chọn để trình bày tham luận và 35 công trình có hàm lượng khoa học cao đã được hội đồng khoa học lựa chọn để công bố thành công trình khoa học.

Nội dung hội nghị đề cập đến an toàn giao thông của tất cả các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không, gồm 9 chủ đề: Quản lý an toàn giao thông; hạ tầng và tổ chức giao thông; phương tiện giao thông; người tham gia giao thông; ứng phó sau tai nạn giao thông; an toàn giao thông đường sắt; an toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải; an toàn giao thông hàng không và kinh nghiệm quốc tế về an toàn giao thông. Trong đó, lĩnh vực đường bộ được đặc biệt chú trọng.

Tại hội nghị, nhiều bài báo cáo có giá trị học thuật và thực tiễn cao, như: Nghiên cứu phát triển công cụ lấy dữ liệu từ Google Maps ứng dụng trong việc phát hiện ùn tắc và tai nạn giao thông theo thời gian thực tế; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ; ứng dụng CMCN 4.0 trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn giao thông đường bộ Quốc gia; ảnh hưởng của phân loại đường theo chức năng đến giao thông và an toàn; biện pháp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến an toàn đường bộ trên thế giới, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá cao những báo cáo có giá trị học thuật và thực tiễn được các nhà khoa học trình bày tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá cao những báo cáo có giá trị học thuật và thực tiễn được các nhà khoa học trình bày tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tai nạn giao thông đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khỏe và tài sản của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và thế giới.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả rõ rệt. Tai nạn giao thông năm 2020 giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.

Trong 11 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra hơn 10.000 vụ, làm chết hơn 5.100 người, bị thương hơn 7.000 người. So với 11 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm gần 25%, số người chết giảm hơn 1.100 người, số người bị thương giảm hơn 29%.

Từ thực tế xã hội đang phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về an toàn giao thông đến từ các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19, việc tìm ra những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội ở Việt Nam là vấn đề cốt lõi và rất cần sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các chuyên gia", Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao những báo cáo có giá trị học thuật và thực tiễn rất cao, điển hình như: Ứng dụng camera giám sát xử phạt vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ; xác định những vấn đề mới về an toàn giao thông với đường sắt đô thị; bảo đảm an toàn không gian mạng cho an toàn giao thông hàng không; các kinh nghiệm về an toàn giao thông trên thế giới và khuyến cáo cho Việt Nam; vấn đề cải thiện môi trường đối với người tham gia giao thông; các nghiên cứu về tâm lý và các giải pháp tác động, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.

Trên cơ sở các báo cáo khoa học và thảo luận tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các nhà quản lý và các tổ chức có liên quan chủ động phối hợp, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chọn lọc những quan điểm giải pháp hợp lý, đưa vào chương trình hành động của cơ quan, tổ chức, qua đó chuyển tải những tri thức mới nhất của thế giới vào đời sống thực tế, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Phan Trang/ Báo Chính phủ