Lễ hội Mường Ca Da – nơi tôn vinh văn hoá truyền thống

23:27 - 14/04/2018

(TTV) - Từ thủa xa xưa, đơn vị hành chính của cộng đồng người Thái là các mường Cổ đại, còn được gọi là Xiêng hoặc Viêng. Mường Ca Da, huyện Quan Hóa ngày nay, là một trong 4 mường lớn của người Thái ở miền Tây xứ Thanh.

 

Lịch sử vùng đất mường Ca Da bắt đầu từ truyền thuyết về nàng Húng và nàng Hường đều được tuyển chọn là Vua Nước (Thủy Tề)
Lịch sử vùng đất mường Ca Da bắt đầu từ truyền thuyết về nàng Húng và nàng Hường đều được tuyển chọn là Vua Nước (Thủy Tề)

Chuyn kể rằng: Lịch sử vùng đất mường Ca Da bắt đầu từ truyền thuyết về nàng Húng và nàng Hường đều được tuyển chọn là Vua Nước (Thủy Tề). Chính vì vậy, gia đình hai nàng được vua ban cho nhiều đặc ân và biến vùng đất ngã ba sông này thành một nơi trù phú “trâu chật rừng, bò chật bãi, không biết dùng trâu bò và tiền bạc để làm việc gì nữa, ăn nhiều cũng chán, mặc nhiều cũng ngại”. Giàu có đến mức ông Mường - Cha của hai nàng phải đi hỏi thăm thiên hạ cách làm cho nghèo đi.

Thế rồi, gia đình ông Mường được mách nước và nghèo đi nhanh chóng. Hai vợ chồng ông Mường nghèo đến mức phải bỏ đi lang thang và chết ở ven bờ sông Mã. Từ đó, mường Ca Da lại trở thành vùng đất hoang.

Một thời gian sau, đội quân ông Giới tràn đến, khai phá vùng đất này và mường Ca Da lại hồi sinh. Sau này, người dân bản địa suy tôn ông Giới thành vị thần sáng lập ra bản mường.

Vùng đất Ca Da còn là nơi chứng kiến sự ra đời, trưởng thành của ông Chu Kha Lai, người công lớn trong cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc phương Bắc. Khi ông mất, người dân trong vùng đã lập đền thờ Chín Gian bằng cỏ tại đỉnh Pom Kéo, bản Chiêng Khăm, xã Hồi Xuân ngày nay,  để hương khói, thờ phụng. Đến năm Khải Định thứ 2 (1917) ông được sắc phong Thành Hoàng.

Phần lễ là hoạt động rước kiệu từ Chùa Ông đến đền thờ “Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” về đồi Pom Khéo, bản Khằm, xã Hồi Xuân
Phần lễ là hoạt động rước kiệu từ Chùa Ông đến đền thờ “Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” về đồi Pom Khéo, bản Khằm, xã Hồi Xuân

Lễ hội mường Ca Da lần thứ 3, năm 2018 diễn ra từ ngày 26/03 đến ngày 28/03, gồm có hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ là hoạt động rước kiệu từ Chùa Ông đến đền thờ “Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” về đồi Pom Khéo, bản Khằm, xã Hồi Xuân. Đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh đã về dâng hương, tỏ lòng thành kính trước tài năng, sự cống hiến của “Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” và thắp sáng lên tình đoàn kết dân tộc để phát triển đất nước.

Sau khi lễ rước kiệu kết thúc, người dân đổ về sân vận động trung tâm huyện để tham gia nghi lễ “Xín Mương” (cúng mường). Phần lễ “Xín Mương” diễn ra rất trang trọng,  thể hiện tấm lòng thành của con cháu bản mường dành cho các bậc tiền nhân  đã có công khai phá, dựng bản, lập mường, mang lại cuộc sống ấm no cho mọi người dân. “Xín Mương” gồm có 6 phần là: Gọi Thành Hoàng Chúa Đất về dự lễ, gọi Vua Rồng đến làm ranh giới và gọi Ngọc Hoàng đến chứng kiến; giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của mường Ca Da; mời các thần linh ăn cỗ; cúng giải hạn; cầu mong những điều tốt đẹp cho bản làng và cuối cùng là tiễn các thần linh trở về và dọn cỗ.

Thi đẩy gậy trong lễ hội Mường Ca Da
Thi đẩy gậy trong lễ hội Mường Ca Da

Trong khuôn khổ không gian của lễ hội mường Ca Da, bạn bè và du khách trong và ngoài tỉnh khi về đây đều đã ngỡ ngàng, hứng khởi khi được chứng kiến sự độc đáo, đa dạng và phong phú của các nội dung thi trong lễ hội như: Thi kéo co, tó mác lẹ, bắn nỏ, gói bánh ú, đi cầu thăng bằng, thi đẩy gậy, đi cà kheo đá bóng, chọi cù và tung còn.

Lễ hội mường Ca Da khép lại bằng đêm nghệ thuật và liên hoan “Rượu cần giã bạn” với nhiều cung bậc cảm xúc. Vòng xòe cứ thêm rộng, thêm gắn kết khi dòng người dường như không muốn từ giã đêm lửa trại đang bùng cháy. Hẹn gặp lại lễ hội mường Ca Da lần thứ 4, năm 2023.

Bá Phượng – Xuân Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=IzNy-fbbyqU&list=PLWAEeuXr_ATRgiM16UsctdTErkjiSaj0F&index=8