Lịch sử trở thành môn tự chọn – thách thức và cơ hội

09:23 - 17/05/2022

(TTV) - Trước những băn khoăn khi Lịch sử trở thành môn học tự chọn, các trường học trên địa bàn Thanh Hóa vẫn xác định, kiến thức lịch sử rất quan trọng, góp phần giáo dục nhân cách và lòng yêu nước cho học sinh. Do đó, các nhà trường đều sẵn sàng kế hoạch dạy môn Lịch sử và lồng ghép môn học này trong chương trình giáo dục mới.

Hiện nay, các nhà trường đã chuẩn bị các phương án dạy, bồi dưỡng môn Lịch sử cho học sinh. Các trường sẽ dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Ngoài ra, môn Lịch sử sẽ được lồng ghép vào những bộ môn liên quan để giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống. 

Cô giáo Đỗ Thị Mỹ, Phó Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương I, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tất cả cán bộ giáo viên đã tập huấn xong chương trình mà Bộ yêu cầu, học liệu cũng đã chuẩn bị. Chúng tôi lồng ghép chương trình lịch sử vào chương trình địa phương, để các em được học lịch sử bằng nhiều hình thức chứ không nhất thiết trong chương trình chính khoá. Có những buổi tham quan phòng truyền thống, chương trình ngoại khoá". Thầy giáo Dương Minh Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cù Chính Lan, thành phố Thanh Hoá cho biết thêm: Nhà trường xác định đây là môn học quan trọng. Phải tạo cho học sinh nền móng vững chắc để các em có kiến thức cơ bản nhất, để kể cả học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì vẫn nắm được kiến thức. Giáo viên có kinh nghiệm nên quá trình dạy học môn Lịch sử rất thuận lợi.

Thách thức đặt ra với ngành giáo dục đó là làm thế nào để thu hút học sinh yêu thích môn Lịch sử. Đây mới là mấu chốt của vấn đề. Khi học sinh yêu thích thì Lịch sử thì dù có là môn tự chọn cũng vẫn có rất nhiều học sinh quan tâm, lựa chọn. 

Quan điểm của cô giáo Tống Lê Mỹ Linh, Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, trường THPT chuyên Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá: Các em lựa chọn môn Lịch sử nhiều hay ít phụ thuộc vào môn Lịch sử có đổi mới mình hay không. Và đổi mới là đổi mới chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá.

Theo cô giáo Bùi Thị Thu Thanh, Giáo viên dạy Văn – Sử trường THCS Cù Chính Lan, thành phố Thanh Hoá: Giáo viên có kiến thức vững chắc mới truyền được cho học sinh đam mê. Tìm hiểu thêm tài liệu, cập nhật thời sự hàng ngày, tìm những mẩu chuyện lồng vào để tạo hứng thú cho các em. Tìm các clip trong giáo án điện tử để cho bài giảng sinh động.

Lịch sử trở thành môn tự chọn hay bắt buộc không phải là điều quan trọng nhất. Bởi với môn tự chọn, trong chương trình giáo dục mới vẫn có nội dung giáo dục Lịch sử cho học sinh. Điều cần quan tâm là làm cách nào để tự mỗi học sinh cảm thấy yêu thích và muốn lựa chọn môn học này. Có như vậy, Lịch sử mới được đặt đúng ở vị trí và tầm quan trọng vốn có của nó.

Theo Hương Quỳnh – Minh Tâm – Văn Lộc

Theo Bản tin THNM, 17/5