Linh hoạt trong đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội trong tình hình mới

21:03 - 13/04/2021

(TTV) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến thị trường lao động chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Điều đó buộc giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi. Tại tỉnh Thanh Hóa, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, đổi mới về cách thức tổ chức thực hiện, chủ động kết nối với các doanh nghiệp và cập nhật sự phát triển của công nghệ trong đào tạo nghề để phù hợp với xu thế chung của thị trường.

 

Thời thượng, mũi nhọn và tiềm năng là những từ khóa “hot” khi nhắc đến ngành công nghệ ô tô hiện nay. Nắm được xu thế đó, những năm gần đây, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa xác định đây là ngành đào tạo mũi nhọn, đáp ứng cho nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ là đào tạo mà còn phải gắn với nhu cầu xã hội, tìm đầu ra cho học sinh. Chính vì thế, việc kết nối với các doanh nghiệp và cập nhật sự phát triển của công nghệ để linh hoạt trong đào tạo đã trở thành hướng đi mới trong giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu là không để bị động trước sự thay đổi của công nghệ và có trên 90% học sinh ra trường có việc làm. Hiện các nhóm nghề 4.0 như công nghệ ô tô, điều khiển robot, tự động hóa công nghiệp… tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Thanh Hóa được giảng dạy và thực hành theo tiêu chuẩn ASEAN đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 8.300 học sinh đang theo học các trình độ cao đẳng và trung cấp nghề. Do đó, việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông sẽ góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo nên diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số hóa và toàn cầu hóa hiện nay./.

Kim Dung – Quang Phú/ Bản tin Thời sự tối TTV