Méo mó quản lý tiền công đức, chế tài được không?

11:18 - 18/06/2019

Những hiện tượng méo mó trong quản lý nguồn tiền thu chi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gần đây lại được Quốc hội xới lên và dư luận có nhiều góp ý trái chiều. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các cá nhân quan tâm đến vấn đề này.

 

Một hòm công đức lớn đặt ngay trước “mặt” trưởng lão hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Một hòm công đức lớn đặt ngay trước “mặt” trưởng lão hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Khó áp đặt quy định chung

Hiện nay, đối với các di tích có ban quản lý thì việc quản lý và chi tiêu tiền công đức thường là do ban quản lý chịu trách nhiệm với sự giám sát của chính quyền địa phương và công khai trước người dân theo quy định. Đối với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo thì chủ yếu là do các sư trụ trì quản lý và chi tiêu.

Theo tôi, đã gọi là tiền công đức thì việc sử dụng, chi tiêu nguồn tiền này phải phục vụ cho việc công. Với các di tích, Nhà nước phải nhanh chóng "quy chế hóa", tức là phải đặt ra các quy chế thu chi rõ ràng và giám sát được, thường xuyên tiến hành kiểm toán việc thu chi tại các di tích này.

Đối với các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng thì việc minh bạch hóa các khoản thu chi tiền công đức tương đối khó hơn vì phụ thuộc vào cái tâm cũng như mô hình tổ chức của các tôn giáo, chứ Nhà nước cũng khó áp đặt quy định chung.

Tuy nhiên, Nhà nước hoàn toàn có thể đặt ra yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải ban hành quy chế thu và sử dụng tiền công đức có được.

Cần có cách thức quản lý nguồn thu chi tốt hơn

Về nguyên tắc, bất kể ai, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam, dù theo tôn giáo nào, đã có nguồn thu trên lãnh thổ Việt Nam đều phải có trách nhiệm với cộng đồng người Việt Nam nói chung.

 

Trong lĩnh vực tâm linh hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân bỏ tiền ra đầu tư và họ có nguồn thu. Trước nay việc thống kê, hoạch toán các nguồn thu chi chưa chặt chẽ, vì thế có những nhóm lợi ích lợi dụng lòng tin của người dân để mưu cầu lợi ích riêng.

Rõ ràng việc công khai, minh bạch nguồn thu sẽ tạo cho người ta tin rồi sẽ tin hơn, đồng tiền đó sẽ được phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.

Phải nghiên cứu kỹ để có cách thức quản lý nguồn thu chi tốt hơn hiện nay. Cần có sự tham gia giám sát của các cơ quan liên ngành. Khi đó toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm, tính toán phân chia theo tỉ lệ hợp lý.

Trong đó, cụ thể tỉ lệ đóng góp cho ngân sách địa phương và trung ương; bao nhiêu tiền giữ lại để sử dụng vào bảo tồn, trùng tu, hay chi tiêu... Tất cả những khoản chi tiêu phải được dự toán, báo cáo bằng hóa đơn.

Tuy nhiên, phải tùy thuộc vào nguồn thu, có nơi nguồn thu rất lớn, một ngày nhiều tỉ đồng, có nơi thu rất ít. Những nơi thu quá ít so với một ngưỡng quy định nào đó thì không phải đóng góp.

Ý thức của người tu sẽ quyết định

Chúng ta không khái quát thành một hiện tượng chung nhưng rõ ràng đang có những méo mó trong việc quản lý tiền công đức ở một vài nơi. Nếu như có thể đề nghị một giải pháp thì cần có những chế định chặt chẽ, phù hợp với tính chất nhạy cảm của quỹ công đức.

Chúng ta nên phát huy vai trò của các nhà tu hành, cùng với sự giám sát của cộng đồng để làm sao những người trong cuộc tự điều chỉnh hành vi của mình. Ý thức của người tu hành sẽ quyết định tất cả.

Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về sự méo mó trong quản lý quỹ công đức tại các cơ sở tôn giáo thì theo tôi, thời gian tới Nhà nước cần có sự rà soát, phân tích, đánh giá. Nếu xác định có hiện tượng méo mó thì phải có hình thức chế tài.

Nếu không thì sẽ có những tác động rất xấu cho niềm tin tín ngưỡng. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng luật pháp dù có chặt tới đâu mà ý thức không tốt thì cũng rất khó. Cao hơn pháp luật là đạo đức, là ý thức.

Lấy công đức chi tiêu cho cá nhân là "phạm giới"

Tôi nghĩ rằng đóng góp cũng là sự tự nguyện và người tiếp nhận quỹ đóng góp đó nếu là các bậc chân tu thì sẽ không lấy làm của riêng. Nếu chúng ta đòi hỏi sự công khai này thì rất khó vì khoản chi tiêu công đức giống như mình chi tiêu cho nhà cửa, chăm lo cho đền chùa hằng ngày để có nơi cho người ta đến lễ Phật.

Trong Luật tín ngưỡng tôn giáo thực ra cũng đã có điều cấm là không được lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, nhà chùa hay nhà thờ cũng đã có những quy định về việc quản lý công đức, giao việc quản lý đó cho các chức sắc đứng đầu.

Nếu làm sư sãi, người tu hành mà đi lấy công đức cho riêng mình thì cũng đồng nghĩa với việc đã phạm giới, là tham sân si. Như thế không thể gọi là người tu hành nữa.

Theo TIẾN LONG - T.B.DŨNG/Tuổi trẻ