Miền Trung: Tin giả tràn lan, hậu quả nặng nề

06:17 - 14/03/2019

Xuất hiện văn bản giả mạo công văn của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc đồng ý chủ trương xây mới cầu qua sông Hàn.

Gần đây, tại các tỉnh miền Trung xuất hiện hàng loạt tin đồn, giả mạo các văn bản hành chính nhà nước về các dự án xây dựng hạ tầng, đầu tư du lịch, chia tách - sáp nhập đơn vị hành chính để thổi giá bất động sản, vụ lợi. Tin giả còn nhắm vào cá nhân lãnh đạo, hạ uy tín cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc xử phạt các đối tượng tung tin đồn thất thiệt còn nhiều khó khăn.

Đầu năm nay, tại TP Đà Nẵng, xuất hiện văn bản giả mạo công văn của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc đồng ý chủ trương xây mới cầu qua sông Hàn, nối đường Bùi Tá Hán với khu đô thị Hòa Xuân. Ngay sau đó, Sở Thông tin và Truyền Thông ra Thông báo bác bỏ nhưng thị trường bất động sản cả khu đô thị mới Nam Việt Á và Hòa Xuân tăng giá bất thường. Giới kinh doanh bất động sản hưởng lợi. Người dân, nhà đầu tư chịu thiệt.

mien trung: tin gia tran lan, hau qua nang ne hinh 1
Giả quyết định của UBND TP Đà Nẵng để thổi giá đất.

 

Sau Tết, giới "cò đất" tung tin chia tách huyện Hòa Vang thành 2 quận, sáp nhập thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế vào thành phố Đà Nẵng. Chính quyền các địa phương nhanh chóng bác bỏ.

Tin đồn còn lan về tận các vùng quê xa xôi. Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một Quyết định giả mạo do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký về việc công nhận huyện Đông Hòa là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Phú Yên. Thông tin này ban đầu được đăng tải trên một diễn đàn chuyên về bất động sản. Huyện ủy Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa Thông tin huyện và Đài truyền thanh huyện thông tin cho người dân biết về tin đồn sai sự thật. Đồng thời, đề nghị cơ quan Công an huyện vào cuộc điều tra làm rõ để có hướng xử lý.

Tuy nhiên, việc điều tra, xử lý người tung tin giả chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, tin giả nhưng hậu quả là rất nặng nề. Nhưng các văn bản hướng dẫn dưới luật khó áp dụng xử phạt.

"Phải xác định được cụ thể người bị hại và người bị hại đó phải có văn bản gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó mới xác định được các thông tin đó có rơi vào các trường hợp quy định của Luật không. Trong Luật An ninh mạng có những chế tài, quy định xử lý vi phạm hết sức rõ ràng. Song cũng nhìn nhận khi có người bị hại như thế, việc xác định các nội dung liên quan đối với các trường hợp tung tin thất thiệt thì đòi hỏi phải xác minh, phải có Hội đồng xác minh, xác nhận lại thiệt hại của người bị hại", ông Nguyễn Quang Thanh cho biết.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền tin giả, đồn thổi lãnh đạo TP.Đà Nẵng chuẩn bị "vào lò". Trong khi ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng được Ban Thường vụ Thành ủy cử đi Hà Nội tham gia "lớp kiến thức quốc phòng và an ninh" tập trung 25 ngày dành cho đối tượng 1 tại Học viện Quốc phòng, thì trên một Facebook nổi tiếng lại tung tin giả một cách ác ý. Ngay sau đó, nhiều trang Facebook dẫn lại tin đồn này. Kèm theo đó là hàng loạt lời bình luận theo cách suy diễn, không có cơ sở, chửi bới lãnh đạo.

Tin giả nhưng thiệt hại gây ra là rất nghiêm trọng. Làm gì để ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng tung tin thất thiệt trên mạng xã hội thì cho đến nay cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều lúng túng./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung