Mô hình tổ hợp tác trồng và chế biến dong riềng theo chuỗi giá trị

11:15 - 21/11/2019

(TTV) - Tham gia mô hình Tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ dong riềng do Hội liên hiệp phụ nữ huyện Cẩm Thủy hỗ trợ thành lập, nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Cẩm Bình và xã Cẩm Liên đã cùng nhau góp đất trồng dong riềng để chủ động nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, góp phần nâng cao thu nhập.

 

Bà Phạm Thị Xuyến (áo tím).
Bà Phạm Thị Xuyến (áo tím).

Gia đình bà Phạm Thị Xuyến có 5 sào đất nông nghiệp, trước đây thường trồng ngô, mía. Khi Tổ hợp tác trồng, chế biến và tiêu thụ dong riềng do phụ nữ làm chủ của xã Cẩm Bình được thành lập, bà là một trong những thành viên đầu tiên chuyển diện tích đất sản xuất sang trồng dong riềng. Toàn bộ củ dong thu hoạch được đều đưa về Tổ hợp tác để chế biến.

Năm 2018, thực hiện đề tài khoa học “Khôi phục, phát triển nghề trồng và chế biến dong riềng truyền thống theo chuỗi giá trị”, Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa đã hỗ trợ thành lập các Tổ hợp tác trồng và chế biến, tiêu thụ dong riềng do phụ nữ làm chủ tại hai xã Cẩm Bình và Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy.  Đây vốn là hai xã có nghề sản xuất miến dong truyền thống, nhưng trước đây nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập từ nơi khác về, không chủ động cho sản xuất và khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Khi tham gia các Tổ hợp tác, các hộ được hướng dẫn lựa chọn các giống dong giềng đảm bảo chất lượng và năng suất, đồng thời được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến dong riềng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, phân bón và máy chế biến. Theo các hộ thành viên tổ hợp tác, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch dong khoảng 10 tháng, thường bắt đầu trồng từ tháng 2 và thu hoạch vào cuối năm. Trung bình,  mỗi ha đạt sản lượng 75 tấn dong củ, mỗi tấn củ chế biến được trên 70 kg miến. Với giá bán từ 60-70 nghìn đồng/1 kg miến, trừ mọi chi phí, sẽ cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ 1 ha. Hiện nay, sản phẩm của các tổ hợp tác sản xuất, chế biến dong riềng ở xã Cẩm Liên và Cẩm Bình đang được tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm an toàn và được người tiêu dùng khá ưa chuộng.

Từ 2 ha dong trồng thử nghiệm trong năm 2018, đến nay, diện tích dong riềng đã được các Tổ hợp tác nhân rộng lên 30 ha tại 2 xã Cẩm Bình và Cẩm Liên. Mô hình này đã góp phần phát triển nghề trồng và chế biến dong riềng truyền thống theo quy trình Vietgap, nâng cao năng xuất chất lượng hiệu quả sản xuất  theo chuỗi giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu miến dong huyện Cẩm Thủy.        

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới 21/11