Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh, thân thiện môi trường

18:33 - 28/09/2020

(TTV) - Sau 3 năm đưa vào hoạt động, dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh tại xã Xuân Cẩm cũ, nay là thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, đã mang lại những kết quả rất tích cực, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

 

Dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh do Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn lắp đặt và vận hành từ năm 2017. Với công nghệ gần như hoàn toàn tự động bằng máy móc, băng tải, quy trình xử lý rác thải gồm 3 công đoạn chính: Xé bao, ủ vi sinh và sàng phân loại. Mỗi ngày, dây chuyền này có thể xử lý 50 tấn rác thải sinh hoạt.

Trung bình 1 tấn rác sau phân loại thu được 200 - 300kg mùn hữu cơ; 100 - 150kg nilon, nhựa; 100 - 150kg rác hữu cơ không thể tái chế phải đốt; 100 - 150kg rác thải vô cơ làm vật liệu san lấp hoặc đốt. Do làm tốt việc phân loại nên rác thải được xử lý triệt để, giảm thiểu thấp nhất tác hại đến môi trường, sản phẩm thu hồi có giá trị kinh tế cao, cụ thể như nilon, nhựa thu hồi có thể bán ngay với giá 1 - 1,5 triệu đồng/tấn, mùn hữu cơ với giá 200.000 - 300.000 đồng/tấn.

Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh không chỉ giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường tại các bãi tập kết, chôn lấp, xử lý rác thải mà còn có lợi ích kép khi biến rác thành tài nguyên, đem lại giá trị thu nhập và được tái chế thành các sản phẩm phục vụ con người ./.     

Theo bản tin 18h30 ngày 28/9/2020