Mùa đông của những người thầy vùng cao

09:23 - 17/01/2019

Với những người thầy đang công tác trên vùng cao, mùa đông về kèm với bao vất vả, lo toan cho cuộc sống, cho học trò và trường lớp. Trong cái lạnh buốt thấu xương, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, họ vẫn phải đảm bảo sức khỏe cho bản thân, giữ ấm cho học sinh, duy trì các hoạt động trường lớp ổn định.

Sống trong thời tiết khắc nghiệt

Xã Nghĩa Thuận – huyện Quản Bạ, được biết đến như một xã biên giới nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Hàng năm, vào mùa lạnh, Nghĩa Thuận hứng chịu hàng chục đợt rét đậm rét hại. Nhiệt độ xuống dưới 10 độ khá nhiều, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.

Cô Hà Thị Ánh Tuyết, quê ở Tuyên Quang chia sẻ: Khi mới lên Nghĩa Thuận công tác, nhiều thầy cô giáo dưới xuôi chưa thích ứng được với cái lạnh thường xuyên dưới 10 độ nên cảm thấy khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Quần áo giặt cả tuần không khô, giặt qua máy giặt thì 3 - 4 ngày vẫn ẩm. Những bữa cơm nấu xong chỉ 10 - 15 phút, thức ăn đã nguội lạnh khó nuốt. Vào những ngày cuối tuần dù được nghỉ, các thầy cô cũng không muốn bước chân khỏi nhà bởi mở cửa ra là mây mù, gió rét luồn sâu vào tận phòng. Dù đóng cửa trong nhà, mặc 5 - 7 lần áo vẫn thấy rét. Những ngày nghỉ trôi đi trong lặng lẽ và buồn tẻ bởi thời tiết quá khắc nghiệt.

Nhiều thầy cô công tác ở các vùng cao Yên Bái, Lào Cai, Sơn La… cũng nói rằng sự khắc nghiệt của mùa đông miền núi cao khiến họ sợ nhất bởi cuộc sống chịu nhiều tác động. Với những đứa trẻ theo mẹ lên vùng cao công tác thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm họng, ho… Còn với người cao tuổi là các bệnh về xương khớp, da hanh khô nứt nẻ. 

Thầy trò vùng cao chịu nhiều ảnh hưởng trong mùa đông lạnh
Thầy trò vùng cao chịu nhiều ảnh hưởng trong mùa đông lạnh
 

Đảm bảo tốt nhất cho HS

Cô Nguyễn Lệ Thủy – Hiệu trưởng Trường MN xã Nghĩa Thuận cho biết: Từ đầu tháng 10, các công việc chuẩn bị phòng tránh rét đã được nhà trường tích cực chuẩn bị. Trước hết, giáo viên sẽ rà soát và củng cố lại phòng học làm sao để mỗi phòng học được che chắn cẩn thận tránh gió lùa những vẫn phải đảm bảo ánh sáng. Mặt khác, việc kiểm kê chăn, đệm ấm cho hoạt động bán trú HS cũng được tiến hành kĩ càng ở từng điểm trường lẻ. Chăn đắp bị cũ sờn sẽ được tận dụng lại làm đệm và nhà trường sẽ tăng cường thêm chăn mới để đảm bảo hoạt động bán trú cho HS.

“Công tác giữ ấm cho HS luôn được nhà trường chú trọng bởi nhiều khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ theo quy định HS sẽ được nghỉ học nhưng bà con vẫn tin tưởng giáo viên và nhà trường có chế độ và điều kiện giữ ấm hơn ở nhà nên vẫn gửi con tới lớp. Trong trường hợp đó, các cô giáo cũng không thể từ chối dù chỉ vài trẻ một lớp…” - cô Thủy nói.

Giáo viên vùng cao đã và đang chịu nhiều thiệt thòi, vất vả trong sinh hoạt và lao động. Nhưng vì yêu nghề, vì cuộc sống và đặc biệt bản năng vượt khó, sự tận tụy… đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để bám trụ với nghề. Cũng vì cuộc sống nhà giáo vùng cao đều trải qua điều kiện khó khăn khắc nghiệt nên họ trở nên gắn bó, thân thiết và biết sống vì nhau hơn. Trong công tác quản lý, nhiều hiệu trưởng nói rằng, họ luôn lấy động viên, khích lệ để đặt lên những chỉ đạo, quyết định bởi chỉ có như vậy mới giúp đồng nghiệp quên đi những khó khăn mà yên tâm công tác.

Cô giáo Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận chia sẻ: Công tác giữ ấm sẽ được quán triệt tới GV chủ nhiệm lớp, giáo viên trực bán trú, cô nuôi…

Như vậy các thầy cô sẽ phải chăm chút, quan sát kĩ càng từng khâu trong sinh hoạt bán trú HS và nhắc nhở hướng dẫn các em đảm bảo giữ ấm qua những công việc hàng ngày như: Đắp chăn, quàng khăn, đi tất, mặc quần áo, giữ ấm đúng cách. Các thầy cô cũng chịu trách nhiệm giữ thông tin liên lạc thường xuyên với gia đình để khi nhiệt độ xuống thấp sẽ thông báo lịch nghỉ học, tránh để HS ra ngoài trời không cần thiết. Thậm chí, với HS có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô thường xuyên chia sẻ cả áo ấm, đôi tất, cái khăn…

Bên cạnh việc giữ ấm, một trong những cách để đảm bảo sức khỏe cho HS và không để HS trốn học vào thời tiết giá lạnh mà nhiều trường vùng cao đều chú trọng đó là bảo đảm và tăng cường chất lượng tốt nhất cho các bữa ăn bán trú. Làm sao để khẩu phần tăng lên, thức ăn thường xuyên thay đổi từng bữa, cách nấu món ăn cũng được nghiên cứu sao cho phù hợp nhất với HS cũng như đặc điểm thời tiết mùa đông…

Hà Nguyên/Báo Giáo dục & Thời đại