Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà bậc THPT

21:32 - 16/10/2019

(TTV) - Liên tiếp những năm gần đây, giáo dục mũi nhọn bậc THPT của Thanh Hóa đã có sự bứt phá, tạo nhiều dấu ấn trên đấu trường trí tuệ Quốc tế và Quốc gia. Tuy nhiên, trái ngược với thành tích rực rỡ của giáo dục mũi nhọn thì giáo dục đại trà bậc THPT trong 2 năm gần đây lại có sự giảm sút mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn tỉnh.

 

Nếu như những năm trước điểm bình quân thi THPT Quốc gia của Thanh Hóa luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước và thuộc tốp 15-20 tỉnh có phổ điểm cao thì  2 năm gần đây, điểm bình quân kỳ thi THPT Quốc gia của Thanh Hóa đều thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, năm 2018, Thanh Hóa xếp thứ 49 và năm 2019 xếp thứ 46 cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 của Thanh Hóa chỉ đạt 92,39% (giảm hơn 5% so với năm 2018).

Đại diện nhiều trường THPT cho rằng: điểm tuyển sinh vào lớp 10 rất thấp là nguyên nhân dẫn tới chất lượng giáo dục đại trà bậc THPT giảm sút. Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh chỉ có khoảng hơn 10% số trường có điểm đầu vào lớp 10 đạt trung bình 5 điểm mỗi môn trở lên. Rất nhiều trường điểm bình quân đầu vào chưa đầy 2 điểm mỗi môn, thậm chí điểm đầu vào chưa đến 1 điểm mỗi môn.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến chất lượng giáo dục đại trà thấp là hiện nay đa số các nhà trường mới chỉ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học mà chưa thực sự quan tâm đến công tác phụ đạo học sinh yếu kém. Học sinh học lệch cũng là nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục đại trà thấp. Năm 2018, 1 học sinh của trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa đạt 27 điểm tổng 3 môn xét tuyển Đại học nhưng học sinh này lại trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt môn Sinh học. Hay như năm 2019, 1 học sinh của trưởng THPT Quảng Xương 1 đạt thủ khoa cả nước khối A nhưng điểm Tiếng Anh lại chỉ đạt 1,4 điểm.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn khó khăn; thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên chưa đảm bảo (nhất là giáo viên Tiếng Anh), quản lý việc đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chặt chẽ cũng đã tác động đến chất lượng giáo dục đại trà.

Mới đây, tại buổi làm việc với ngành giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngành nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, đưa ra những giải pháp khắc phục trong năm học tới, quyết tâm phấn đấu kết quả kỳ thi THPT quốc gia của Thanh Hoá phải đứng trong top 20 các tỉnh, thành phố của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, ngành giáo dục Thanh Hóa cần phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu đóng vai trò then chốt./.

Bản tin Thời sự tối TTV