Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT

19:56 - 07/10/2019

(TTV)- Chiều ngày 7/10, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT và kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành có liên quan tham dự buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh được xếp loại khá, giỏi của Thanh Hoá tương đương hoặc cao hơn so với bình quân chung của cả nước và khu vực Bắc Miền Trung. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định, nhưng lại chưa đồng đều ở các vùng miền trong tỉnh, chất lượng giáo dục miền núi chuyển biến chậm. Trong hai năm học gần đây, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; có những môn rất thấp, như tiếng Anh, lịch sử và sinh học. Năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Thanh Hoá tương đương bình quân chung của cả nước; nhưng năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp giảm 5%, thấp hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đậu đại học của Thanh Hoá lại rất cao, năm 2019 đạt hơn 73%; đặc biệt số học sinh đạt từ 27 điểm trở lên tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học, học sinh thủ khoa xét tuyển đại học nằm trong tốp đầu cả nước.

Các đại biểu đã phân tích, chỉ ra những nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục đại trà chưa đạt yêu cầu và điểm trung bình thi THPT quốc gia của Thanh Hoá thấp hơn so với bình quân cả nước, như: số lượng học sinh lớn, chất lượng không đồng đều; đội ngũ cán bộ quản lý tại các nhà trường chưa thực sự chú trọng nâng cao chất lượng đại trà; cơ sở vật chất còn hạn chế, nhất là ở khu vực miền núi và các trường thuộc vùng lõm ở miền xuôi; biên chế giáo viên tại một số nhà trường chưa đủ định mức, chất lượng đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Đồng thời, các đại biểu  đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, như: thực hiện có hiệu quả công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh; phân loại học sinh để có những cách xử lý phù hợp đối với những học sinh yếu kém; nâng cao trách nhiệm của giáo viên bộ môn. Sở Giáo dục và Đào tạo và hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện sớm công tác tuyển dụng giáo viên, có chế độ khuyến khích đối với những giáo viên đã gắn bó lâu năm với miền núi.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: kết quả tại kỳ thi THPT quốc gia phản ánh chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực sau này. Thanh Hoá có điểm trung bình tại kỳ thi THPT quốc gia thấp hơn so với bình quân chung của cả nước trong 2 năm 2018, 2019 là một thực tế; nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo lại chưa kịp thời thực hiện các giải pháp, để chỉ đạo khắc phục một cách toàn diện thực trạng này.

Thống nhất với các nguyên nhân đã được các đại biểu phân tích, chỉ ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá phải đặt quyết tâm cao để nâng cao chất lượng giáo dục, với mục tiêu năm 2020, kết quả kỳ thi THPT quốc gia của Thanh Hoá phải đứng trong top 20 các tỉnh, thành phố của cả nước. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng khối THPT, mà khối Tiểu học, THCS cũng phải có trách nhiệm để nâng cao chất lượng ngay từ đầu vào THPT. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục khu vực miền núi, giáo dục ngoại ngữ; phải xác định đội ngũ giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại những giáo viên chưa đạt chuẩn, cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng không thực hiện nghiêm việc đào tạo lại hoặc không hoàn thành việc đào tạo lại, nhất là đối với môn ngoại ngữ.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, chống học lệch; nâng cao nhận thức về giáo dục toàn diện từ đội ngũ cán bộ quản lý tại các nhà trường, các giáo viên cho đến phụ huynh và học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính rà soát lại đề án xây dựng cơ sở vật chất cho các trường chuẩn quốc gia và các trường đang gặp nhiều khó khăn; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư cho 2 nhóm trường này. Sở Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành đề án phát triển các trường tư thục, tăng cường công tác thanh kiểm tra, để chống bệnh thành tích trong giáo dục.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đại trà là tăng cường quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, giao chỉ tiêu chuyên môn cụ thể cho từng nhà trường trong từng năm học; tạo thành phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện trong toàn khối THPT.

Theo Thời sự tối 7/10/2019