Nâng cao giá trị chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh

18:09 - 13/05/2018

(TTV) - Theo quy hoạch, đến năm 2020 chế biến thủy sản Thanh Hoá sẽ trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Tuy nhiên, đến nay, ngành công nghiệp này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Toàn tỉnh hiện có gần 50 doanh nghiệp và 1.300 cơ sở chế biến thủy hải sản đang hoạt động…với các  sản phẩm chính như: Nước mắm, ngao, tôm, mực, cá đông lạnh, chả cá surimi, bột cá xuất khẩu… Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến thủy hải sản đều hoạt động ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, công nghệ sản xuất lạc hậu nên chủ yếu thực hiện sơ chế, cấp đông, gia công nguyên liệu, giá trị sản phẩm không cao. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến không ổn định. Toàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến, chưa hình thành được các trung tâm chế biến thủy sản. Sản lượng chế biến thủy sản đông lạnh toàn tỉnh hàng năm mới đạt khoảng 37 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Chế biến thủy sản Thanh Hoá sẽ trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn
Chế biến thủy sản Thanh Hoá sẽ trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng thuỷ, hải sản chế biến xuất khẩu toàn tỉnh đạt gần 46.000 tấn, tiêu thụ nội địa đạt trên 60.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 110 triệu USD theo quy hoạch, giải pháp quan trọng là phải nhanh chóng cải tiến công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm; từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chế biến thủy sản gắn với đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vươn tới các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới./.

Thanh Thảo – Xuân Tuấn