Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp đối với nguy cơ cháy nổ từ sự cố điện

10:20 - 24/04/2024

Kết quả điều tra nguyên nhân các vụ cháy trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2022 và 2023 cho thấy, có đến gần 70% số vụ xuất phát từ sự cố hệ thống thiết bị điện, có thể do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng thiết bị điện không an toàn hoặc do sự cố từ thiết bị điện, dây dẫn điện trên cột điện. Do đó, người dân, doanh nghiệp cần nêu cao cảnh giác, coi việc sử dụng điện an toàn là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong phòng ngừa cháy nổ, nhất là trong thời gian cao điểm nắng nóng sắp tới.

Để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đơn vị này phải sử dụng liên tục hệ thống máy cắt CNC, cẩu trục và máy uốn thép – những thiết bị có lượng tiêu thụ điện rất lớn.

Bước vào mùa hè, mức độ tiêu thụ điện ước tính tăng khoảng 30% so với mùa đông do cần vận hành thêm hệ thống quạt thông gió và làm mát. Do đó, ngoài việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy cần thiết, việc sử dụng điện an toàn là một trong những quy định phải chấp hành nghiêm ngặt tại đây. 

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp đối với nguy cơ cháy nổ từ sự cố điện- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty TNHH TM Inox Khánh Hòa T-H, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi chọn hệ thống dây đủ tải, áp cũng phải đủ tải, nguồn gốc rõ ràng mới không xảy ra chập cháy. Ngoài ra thì cũng lưu ý nhân viên là phải tắt hết các thiết bị điện khi ra khỏi nhà xưởng, rồi kiểm tra hệ thống điện thường xuyên để thay thế nếu có vấn đề bị hư hỏng".

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh là vậy, nhưng ở loại hình nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh, nguy cơ cháy nổ từ sự cố điện cũng không hề thấp. Biển quảng cáo có gắn đèn led hay việc sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc trong sinh hoạt thường ngày cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chập cháy. Chính vì lý do này, từ nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các địa phương trong tỉnh đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho các hộ dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được gần 2.000 tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy và 1.436 điểm chữa cháy công cộng.

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp đối với nguy cơ cháy nổ từ sự cố điện- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Bảo, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình tôi kinh doanh buôn bán, mùa hè này, biển quảng cáo, điều hòa, quạt… dùng nhiều, cũng dễ cháy nổ. Vì vậy, gia đình chúng tôi ý thức, tham gia Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy, được học, được tập huấn, trang bị cả bình cứu hỏa thì yên tâm hẳn".

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp đối với nguy cơ cháy nổ từ sự cố điện- Ảnh 3.

Thống kê của phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 106 vụ cháy, làm 5 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,7 tỷ đồng. Các vụ cháy thường khởi phát vào ban đêm, khi mọi người ngủ say nên khi phát hiện, đám cháy đã phát sinh khói độc. Do đó, "phòng cháy hơn chữa cháy", chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra chập điện, cháy nổ là giải pháp tiên quyết để kéo giảm thiệt hại do cháy nổ gây ra.


Nguồn: Bản tin THNM/TTV