Nâng cao ý thức đọc sách cho học sinh trong các nhà trường

10:52 - 01/04/2024

Để tạo nên thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kỹ năng sống, các trường học trên địa bàn thành phố đã có những cách làm hay, hiệu quả, trong đó chú trọng đến xây dựng các mô hình thư viện. Từ đó, góp phần phát huy vai trò của thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.

Để khuyến khích học sinh ham mê đọc sách, tìm tòi, khám phá tri thức từ những trang sách, tác phẩm hay, giúp các em có những kiến thức phong phú, phục vụ thiết thực việc học tập, trường Tiểu học Điện Biên 2 đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích học sinh đọc sách thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, đồng thời xây dựng thư viện trường học phong phú; bố trí các tiết đọc tại thư viện cho các lớp, nhằm thỏa mãn nhu cầu đọc, tìm hiểu, tạo hứng thú cho các em đến với thư viện mỗi ngày. Từ việc duy trì thói quen đọc sách cho học sinh, nhà trường đã nhiều năm liền có học sinh đạt giải cao trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc.

Em Trần Bảo Tâm, học sinh lớp 5A4, trường Tiểu học Điện Biên 2, thành phố Thanh Hóa là học sinh đạt giải Nhất cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp tỉnh năm 2023 chia sẻ: "Khi đạt được danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc, con đã nỗ lực phân chia thời gian hợp lý cho việc đọc sách, khi con đọc sách con đã nhận ra, rút ra được rất nhiều bài học quý giá về cuộc sống và học tập".

Nâng cao ý thức đọc sách cho học sinh trong các nhà trường- Ảnh 1.

Với tinh thần đưa hoạt động của thư viện hòa nhập vào môi trường để học sinh lúc nào cũng có thể tiếp cận được với sách, báo, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và mục tiêu "Sách tìm đến người đọc", các nhà trường thường xuyên mua bổ sung sách, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung nhằm phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu học tập, giải trí của học sinh. Nhờ vậy thư viện đã phát huy tốt tác dụng, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Em Đỗ Lê Bảo Quyên, học sinh lớp 5C, trường tiểu học Minh Khai 2, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "Em đã đọc sách từ bé và đến năm lớp 2 em đã được bố cho đọc nhiều loại sách mới, trong đó em thích nhất là về sách khoa học, đọc sách giúp em phát triển tư duy và giúp rất nhiều cho em trong phần học tập. Ngoài giờ học em sẽ dành ra được một thời gian nhất định để đọc sách". Bà Doãn Thị Cúc, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Newton Thanh Hóa cho biết: "Hàng năm chúng tôi đã bổ sung các đầu sách vào thư viện rất khang trang, đặc biệt là phong trào góp một cuốn sách để đọc ngàn cuốn sách hay. Cuối giờ học hoặc giờ ra chơi học sinh xuống thư viện đọc sách, nó tạo thành một nếp văn hóa đọc cho các con".

Nâng cao ý thức đọc sách cho học sinh trong các nhà trường- Ảnh 2.

Để đưa học sinh đến gần với sách, biến nhiệm vụ đọc sách thành niềm hứng thú, nhà trường và phụ huynh cần khích lệ, động viên con em mình, tạo thành thói quen cho học sinh, qua đó góp phần tuyên truyền giáo dục cho các em về việc đọc sách cũng như trân trọng, giữ gìn và bảo vệ sách.

Hy vọng rằng những hoạt động giữ lửa, lan tỏa tinh thần, nâng cao "văn hóa đọc" cho các em mà nhà trường tạo ra là cơ hội để các em học sinh được học tập, rèn luyện, trải nghiệm, sáng tạo và phát triển một cách toàn diện nhất.

Nguồn: Chuyên mục Truyền hình thành phố Thanh Hóa ngày 27/3/2024