Nên hay không việc đánh thuế đối với tài sản bất minh?

17:26 - 13/06/2018

(TTV) - Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý. Theo đó, qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Xung quanh quy định này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

 

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những hạn chế lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Để chứng minh nguồn gốc khối tài sản là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức. Dự thảo Luật tại Điều 123 cũng bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm xác định thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1 Điều 59 Luật PCTN là thu nhập chịu thuế với mức thuế suất là 45% trong biểu thuế toàn phần.

Phương án trên cũng đã thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội để tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Xuất phát từ quan điểm phải có quy định nào đó để thu hồi các loại tài sản bất minh, nên đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này. Tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, với quy định này, việc chống tham nhũng sẽ không nghiêm khi Luật đã mặc nhiên thừa nhận tài sản kê khai không trung thực chỉ bị truy thu thuế.

Theo lý giải của các đại diện đại biểu Quốc hội, một mục tiên lớn nhất cần đặt ra là quản lý được nguồn thu nhập của các cá nhân, cán bộ, công chức. Để kiểm soát được vấn đề tham nhũng, chúng ta không nên quá kỳ vọng Luật Phòng chống tham nhũng sẽ giải quyết được mọi thứ. Chúng ta cần có nhiều luật khác như Luật Quản lý thuế, đề án không sử dụng tiền mặt, cơ chế phát hiện và xử lý như thanh tra, kiểm toán, điều tra, rồi vai trò giám sát của người dân, cơ quan báo chí... Việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập không kê khai hay "bất minh" cũng chỉ là một biện pháp phòng ngừa, răn đe.

Đặc biệt, dự luật sửa đổi cần tách bạch tài sản trốn thuế và tài sản do tham nhũng mà có. Thực tế hiện nay với nền kinh tế thị trường, nhiều cán bộ, công chức cũng tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà pháp luật cho phép. Do đó, có nhiều tài sản họ không kê khai nhưng được hình thành từ những khoản đầu tư hiệu quả.

Trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang đặt vấn đề cho phép cơ quan thuế được tham gia điều tra ban đầu. Thu nhập của cá nhân không chứng minh được cũng cần bổ sung cả những khối tài sản từ kinh doanh nhưng trốn thuế mà có. Bởi hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư vào những doanh nghiệp liên tục thua lỗ hay lãi không đáng kể những vẫn có những khoản tài sản khổng lồ.

Xung quanh các ý kiến trái chiều về vấn đề xử lý tài sản bất minh, hiện nay, các đại biểu quốc hội đang tiếp nhận các ý kiến để xem xét điều chỉnh hợp lý trước khi trình trong kỳ họp sắp tới.

Lê Nụ - Xuân Tuấn