Ngày 10/6: Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

22:44 - 10/06/2020

(TTV) - Trong chương trình làm việc sáng 10/6, các Đại biểu Q uốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tổ 6, gồm đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Đồng Tháp, thảo luận theo sự chủ trì điều hành của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan.

 

Cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng: Việc sửa đổi Luật là cần thiết để thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền con người, quyền lao động của công dân, đáp ứng yêu cầu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác xuất khẩu lao động. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vừa giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao chất lượng, giá trị sức lao động, vừa đóng góp nguồn thu của các địa phương cũng như đất nước. Các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự luật; vấn đề trách nhiệm bảo hộ, hỗ trợ người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; thời hạn của giấy phép xuất khẩu lao động; về Quỹ hỗ trợ người lao động ở nước ngoài…

Về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu cho rằng: Việc sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực là cần thiết. Tuy nhiên, nếu liệt kê các hành vi vi phạm trong Luật thì vô hình chung lại thiếu khi phát sinh các vi phạm khác. Do đó, mức xử phạt và hành vi vi phạm cần được quy định ở mức Nghị định; đồng thời, phải nới rộng khung điều kiện tịch thu tang vật, phương tiện, để thuận lợi trong quá trình điều tra hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể. Về việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, bên cạnh ý kiến tán thành đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như quy định của dự thảo luật, một số ý kiến lại coi đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Liên quan đến việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, một số đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng vì mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa, chứ không phải là trừng phạt./.

Bản tin Thời sự tối TTV