Ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

18:57 - 08/11/2018

(TTV) - Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 8/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã nghe và cho ý kiến vào dự án Quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và xem xét nhiều nội dung quan trọng khác. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, văn phòng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.

         

Ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi lòng sông tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015, đã xác định được 105 mỏ và 108 bãi tập kết cát, sỏi làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch trên đã hết hiệu lực thi hành và chưa xác định và khoanh định cụ thể vị trí, diện tích đối với từng mỏ, từng bãi tập kết cát, sỏi theo các quy định hiện hành. Vì vậy, việc lập và phê duyệt quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược khoáng sản, quy hoạch khoáng sản của Chính phủ, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn là rất cần thiết. Quy hoạch này đảm bảo cơ sở pháp lý cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương quản lý tốt hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhu cầu của người dân trong hiện tại và tương lai; tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hoá.

Theo Quy hoạch, dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2018 – 2030 khoảng 51 triệu m3, bao gồm: giai đoạn 2018 – 2025 khoảng 26 triệu m3; giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 25 triệu m3. Trong khi hiện nay, toàn tỉnh có 127 mỏ cát, sỏi làm vật liệu xây dựng công trình đủ điều kiện quy hoạch, với tổng trữ lượng là 40,7 triệu m3; 05 khu vực nạo vét cửa sông, cửa biển với tổng trữ lượng cát nhiễm mặn (cát san lấp) khoảng 2 triệu m3; cộng thêm trữ lượng bồi lắng khu vực cửa sông đến năm 2030 đạt khoảng 1,8 triệu m3.

Để đáp ứng đủ nhu cầu 26 triệu m3 đến năm 2025, tỉnh sẽ cấp phép mới cát, sỏi tự nhiên đạt tổng trữ lượng khai thác đến năm 2025 là 12 triệu m3; phát triển sản xuất cát nghiền từ đá tại các khu vực có sẵn nguồn nguyên liệu để cung cấp cho thị trường với khối lượng ít nhất là 15,5 triệu m3; đẩy nhanh tiến độ thăm dò, nạo vét các khu vực đường thuỷ nội địa, cửa sông, cửa biển, khai thác tận thu khối lượng cát bồi lắng ở các lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi.

Để đáp ứng đủ 25 triệu m3 trong giai đoạn 2026 – 2030, sẽ tiếp tục khai thác các mỏ đã được cấp phép trước năm 2025, cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ mới với trữ lượng khoảng 10,5 triệu m3; tiếp tục đầu tư nâng công suất các nhà máy sản xuất cát nghiền hiện có, đồng thời, bổ sung một số nhà máy sản xuất mới ở các huyện miền núi và trung du, nơi có trữ lượng đá lớn; sản xuất cát nghiền và các loại vật liệu thay thế phải đạt ít nhất 16 triệu m3; tổ chức nạo vét định kỳ 3 – 5 năm/ lần các khu vực cửa sông, đường thuỷ nội địa và tăng cường phát triển cát nghiền và các loại vật liệu thay thế như tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện.

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đều khẳng định nguồn tài nguyên cát, sỏi có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là trong điều kiện chúng ta đang thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn và có nền tảng phát triển vững chắc như hiện nay. Tuy nhiên, khi quy hoạch, phải tính toán kỹ lưỡng, đưa ra được phương án khai thác phù hợp để không làm biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến các công trình, đảm bảo sự bền vững. Mặc dù Thanh Hoá có nhiều mỏ cát, sỏi nhưng nên khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo nhiều hơn nữa, để đảm bảo vật liệu xây dựng cho tương lai.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đồng ý chủ trương cho lập quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban của HĐND thẩm tra báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp tới, giao UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các huyện, thị, thành phố có điểm mỏ trong quy hoạch tổ chức lấy ý kiến của nhân dân bằng văn bản báo cáo tỉnh, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc lấy ý kiến nhân dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: việc quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi phải  trên cơ sở  đánh giá tác động đến dòng chảy của các con sông: Nếu tác động làm ảnh hưởng đến bờ sông, ảnh hưởng đến đất bãi ven sông, phải nghiên cứu, đánh giá  và cân nhắc kỹ trước khi đưa vào quy hoạch; nếu ảnh hưởng đến kè, cống, đê điều thì kiên quyết không cấp phép khai thác. Không đưa vào quy hoạch các mỏ, bãi tập kết cát có vàng sa khoáng. Hạn chế cấp phép các mỏ cát ở miền núi. Đối với những mỏ cát vùng cửa sông, cửa biển cần kiểm tra đánh giá, nghiên cứu biến động đới bờ để quyết định có đưa vào quy hoạch hay không và khi cần cấp phép những mỏ ở cửa sông, cửa biển, phải công khai chất lượng cát nhiễm mặn để doanh nghiệp, người dân biết sử dụng.

Về quy hoạch các bãi tập kết cát, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu tính toán phù hợp để không ảnh hưởng đến đê điều, kè cống và các công trình ven sông. Tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, đảm bảo nguồn tài nguyên cát, sỏi được khai thác, sử dụng hợp lý, không lãng phí, thất thoát, đảm bảo an toàn môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.

Tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã nghe và thống nhất chủ trương về việc thực hiện cơ chế “ Một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến; danh mục dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2019 và quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Việt Hà – Hồng Thư

[links()]