Ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11

20:11 - 20/11/2020

(TTV) – Hôm nay, 20/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, UBND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 11, nghe và cho ý kiến vào báo cáo thực hiện chỉ tiêu biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp năm 2020 và kế hoạch giao biên chế năm 2021 của tỉnh Thanh Hoá; nghe và cho ý kiến vào tờ trình về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng container qua Cảng Nghi Sơn và nhà đầu tư xây dựng cảng cạn, Trung tâm Logistics trên địa bàn tỉnh; và một số nội dung quan trọng khác.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND tỉnh và các Uỷ viên UBND tỉnh.

Đối với việc giao, sử dụng và quản lý biên chế công chức hành chính, sự nghiệp: năm 2020, số biên chế toàn tỉnh được HĐND tỉnh giao, phê duyệt bằng hoặc thấp hơn số biên chế được Bộ Nội vụ giao. Việc thực hiện chỉ tiêu biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp được giao năm 2020 của các sở, UBND cấp huyện đều thấp hơn chỉ tiêu biên chế được HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao năm 2020, đảm bảo thực hiện lộ trình tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành được khung tiêu chí để làm căn cứ xác định và giao biên chế hành chính đối với một số loại hình đơn vị sự nghiệp (như văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường...). Một số cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện còn lúng túng, chậm thực hiện các công việc liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp.

Theo kế hoạch do Sở Nội vụ đề xuất, biên chế công chức hành chính năm 2021 cho các sở, UBND cấp huyện là 3.692 biên chế, giảm 54 biên chế so với năm 2020; biên chế sự nghiệp công lập là 60.859, thấp hơn 3,6% so với số biên chế được HĐND tỉnh phê duyệt năm 2020.

Kế hoạch giao chỉ tiêu biên chế năm 2021, thực hiện giao biên chế công chức hành chính, sự nghiệp năm 2021 theo đúng các quy định của Trung ương và của tỉnh về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm bằng hoặc thấp hơn biên chế được Bộ Nội vụ giao hoặc chấp thuận; đồng thời bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch và ổn định trong tổ chức hoạt động của địa phương, đơn vị.

Tại phiên họp, Sở Nội vụ cũng báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện số lượng cấp phó các sở và cơ quan ngang sở theo quy định tại Nghị định số 107/2020 của Chính phủ. Hiện nay, số lượng cấp phó các sở và tương đương trên địa bàn Thanh Hóa là 55 người, thiếu 5 người so với quy định. Sở Nội vụ đề xuất khung số lượng Phó Giám đốc Sở là 60 người, theo đúng số lượng đã được quy định.

Chủ tịch UBDN tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch UBDN tỉnh phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 11.

Kết luận về các nội dung này, Chủ tịch UBDN tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo của Sở Nội vụ. Về số lượng cấp phó các sở và cơ quan ngang sở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng chỉ đạo Sở Nội vụ hoàn thiện đề xuất Khung số lượng Phó Giám đốc sở trên cơ sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tính chất, khối lượng công việc được giao của các sở, cơ quan ngang sở để tham mưu, xác định số lượng cấp phó từng sở, cơ quan ngang sở cho phù hợp; báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến để quyết định, ban hành. Đối với kế hoạch giao biên chế năm 2021, thống nhất với đề xuất của Sở Nội vụ; đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh báo cáo, báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp báo cáo về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng container qua Cảng Nghi Sơn và nhà đầu tư xây dựng cảng cạn, Trung tâm Logistics trên địa bàn tỉnh. Qua 17 tháng thực hiện việc tiếp nhận tàu container, Cảng Nghi Sơn đã được ghi trên bản đồ hàng hải thế giới về vận chuyển bằng container; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã biết đến dịch vụ vận tải container tại Cảng Nghi Sơn.

Tuy nhiên, việc khai thác cảng Nghi Sơn vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, như: lượng hàng hoá xuất nhập khẩu bằng container qua Cảng Nghi Sơn còn rất thấp, bình quân chỉ đạt khoảng 4,3% lượng hàng hoá vận chuyển đường biển bằng container của 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình. Các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc xuất nhập khẩu hàng hoá bằng container qua Cảng Nghi Sơn do số hãng tàu tham gia vận chuyển ít, tần suất các chuyến quá thấp, chi phí vận chuyển cao hơn so với khu vực…

Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đề xuất một số giải pháp và chính sách hỗ trợ, như: đầu tư đồng bộ hạ tầng cầu cảng chuyên dụng container để nâng cao năng lực xếp dỡ; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tại Thanh Hoá và các tỉnh lân cận; có chính sách hỗ trợ về tài chính đối với các doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng container qua cảng Nghi Sơn… Mục tiêu là trong năm 2021, tăng số chuyến tàu qua Cảng Nghi Sơn từ 3 – 5 chuyến/tuần; mở thêm tuyến đi cảng trung chuyển Singapor kết nối với các nước khác với tần suất 3,5 ngày/chuyến; thu hút 1 tuyến đi Hàn Quốc. Từ năm 2022, tăng số chuyến tàu qua Cảng Nghi Sơn đảm bảo từ 5 – 7 chuyến/tuần; mở thêm tuyến đi Nhật Bản, tần suất 3,5 ngày/chuyến…

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Cảng Nghi Sơn là cảng mới, hạ tầng phục vụ xếp dỡ container còn chưa đồng bộ. Do vậy, lượng hàng hoá qua cảng còn ít, dẫn đến chi phí cao, chưa khuyến khích được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng. Việc ban hành các cơ chế, chính sách ban đầu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá bằng container qua Cảng Nghi Sơn là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, vừa góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư tại Thanh Hoá và nâng cao tính cạnh tranh, hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Thanh Hoá.

Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp về việc xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng container qua Cảng Nghi Sơn; đồng thời yêu cầu Ban phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh báo cáo, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh xem xét, quyết định. 

Cũng trong chương trình phiên họp, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến đối với các báo cáo: Danh mục dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh năm 2021; chính sách hỗ trợ thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách và đề xuất kéo dài hiệu lực một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh; báo cáo đề nghị kéo dài thời gian thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp đến năm 2021; nghe báo cáo Đề án “Củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng của lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021 – 2025”; và một số nội dung quan trọng khác.

Theo bản tin thời sự tối ngày 20/11/2020