Ngày làm việc thứ 3 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

20:19 - 27/01/2021

(TTV) - Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ 3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban B í thư Trần Quốc Vượng; cùng các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị khóa XII và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia đoàn chủ tịch Đại hội.

 

Trong ngày làm việc thứ 3, 1.587 đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có 35 đồng chí thuộc đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, đã làm việc tại hội trường, thảo luận về các dự thảo văn kiện được trình tại đại hội. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã phân tích, làm rõ các nội dung: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát huy phương châm "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân," thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Các đại biểu cũng làm rõ các nội dung xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại hóa, xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; Phát triển kinh tế tri thức - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tham luận tập trung đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu và chất lượng của các dự thảo văn kiện, bày tỏ thống nhất với nội dung của dự thảo văn kiện, đồng thời phân tích, bổ sung nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn, để làm sáng tỏ hơn và góp phần hoàn thiện các văn kiện. Đặc biệt, các bài học được rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được nhiều đại biểu nghiên cứu sâu sắc, coi đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng và tự tin vượt qua những khó khăn thách thức mới và những nhiệm vụ nặng nề trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa dự đại hội.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa dự đại hội.

Các đại biểu cũng thống nhất cao với mục tiêu phát triển tổng quát của đất nước trong nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo, được thể hiện trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Bản tin Thời sự tối/TTV