Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

22:48 - 22/10/2020

(TTV) - Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến và cho ý kiến về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thỏa thuận quốc tế.

 

Tham dự phiên họp, tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, các đại biểu Quốc hội đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa và đại diện các sở ngành có liên quan.

Trong ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định. Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; bổ sung hình thức xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính... 

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm và còn nhiều ý kiến khác nhau là đề xuất ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Một số đại biểu cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm; Song một số đại biểu lại cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu, việc áp dụng biện pháp này cần được cân nhắc thận trọng.

Về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, các đại biểu quan tâm thảo luận về một số nội dung quan trọng của Dự thảo Luật như: việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã cần được cân nhắc thận trọng do liên quan đến công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Một số ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng đối với các huyện, các xã ở khu vực biên giới và giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết thỏa thuận quốc tế. Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến về các nội dung về viện trợ phi chính phủ; nguồn vốn ODA; vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế tại dự thảo luật để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với thẩm quyền của các chủ thể ký kết

Ngày 23/10, Quốc hội tiếp tục làm việc theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước./.

Bản tin Thời sự tối TTV