Ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

21:12 - 23/10/2020

(TTV) - Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, hôm nay 23/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Tham dự phiên họp, tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa; Phạm Thị Thanh Thuỷ - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa; các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn và đại diện các sở ngành có liên quan.

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Luật như: cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế; độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV; những đối tượng có nguy cơ cao được ưu tiên áp dụng các biện pháp tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; việc dừng hoạt động của Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV… Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; cũng như cần phải bảo đảm quyền bí mật thông tin của người bị nhiễm HIV/AIDS.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Vấn đề Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu. Một số đại biểu tán thành việc duy trì quỹ nhằm tăng trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động; đồng thời đây sẽ là nguồn dự phòng để xử lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi cần thiết. Một số đại biểu đề nghị bỏ quy định việc người lao động phải đóng tiền phí dịch vụ; tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần phải đóng phí nhưng cần quy định chặt chẽ mức trần tiền dịch vụ phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề trong từng thời kỳ.  Một số nội dung khác của dự thảo Luật như: vấn đề đào tạo nghề cho người lao động; giải quyết rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; chính sách cho người lao động sau khi về nước… cũng được các đại biểu tập trung thảo luận tại phiên họp.

Ngày mai, thứ 7 (24/10), Quốc hội tiếp tục làm việc theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước./.

Theo bản tin thời sự tối ngày 23/10/2020