Ngày mai (16/4) sẽ diễn ra Lễ hội Mai An Tiêm 2019

15:06 - 15/04/2019

(TTV) – Vào 7h sáng mai (16/4 – tức ngày 12/3 âm lịch ) sẽ diễn ra Lễ hội Mai An Tiêm năm 2019 tại khu Di tích lịch sử, văn hóa Đền Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn.

 

Lễ hội Mai An Tiêm năm 2018.
Lễ hội Mai An Tiêm năm 2018.

Lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày 12/3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ, tri ân Mai An Tiêm, người có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng. Năm nay, Lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/4 (tức ngày 12 và 13 /3 âm lịch).

Màn múa trống hội trong Lễ hội Mai An Tiêm năm 2018.
Màn múa trống hội trong Lễ hội Mai An Tiêm năm 2018.

 Mai An Tiêm - nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào thời Vua Hùng Vương thứ 18, là người có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người “khai sinh” ra quả dưa hấu đỏ.

Tương truyền, Vua Hùng Vương có nuôi một đứa trẻ thông minh khôi ngô, đặt tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm. Lớn lên, vua cưới vợ cho An Tiêm, và tin dùng ở triều đình. Được vua yêu quý nên chàng bị các lạc hầu, lạc tướng ghen ghét, gièm pha, tìm cách hãm hại. Một lần vì làm phật ý vua nên chàng và gia đình bị đày ra đảo hoang sinh sống. Một ngày kia, có một con chim lạ bay đến, đậu trên một gò cát. Chim nhả mấy hạt gì xuống đất. Được ít lâu, hạt nẩy mầm, càng lớn càng lan rộng, ra quả màu xanh. Khi quả to, An Tiêm hái nếm thử, thấy ruột đỏ, hột đen, mùi vị thơm và ngon ngọt, mát dịu. An Tiêm bèn lấy hột gieo trồng khắp nơi, sau đó mọc lan ra rất nhiều. Vì chim mang hột dưa đến từ phương Tây, nên An Tiêm đặt tên cho thứ trái cây này là Tây Qua.

Vụ này tiếp nối vụ kia, dưa hấu ngày càng nhiều, gia đình An Tiêm dùng không hết liền nghĩ cách khắc chữ vào vỏ quả, bỏ xuống biển, thủy triều đã đẩy những quả dưa vào bờ. Quan quân thấy vậy liền tâu lên nhà vua, mọi người cùng ăn và vui mừng khen ngon. Vua biết Am Tiên và vợ con không chết mà còn nhớ đến nhà vua, tìm cách dâng quả ngon. Vua liền ra lệnh đưa An Tiêm về đất liền để phong lại chức tước.

Dưa hấu Nga Sơn.
Dưa hấu Nga Sơn.

Để nhớ ơn Mai An Tiêm, hiện chỗ gia đình ông sống nơi đảo xa người ta vẫn còn gọi là bãi An Tiêm. Giống dưa quý ruột đỏ ấy gọi là dưa đỏ, sau này gọi là dưa hấu.  Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước.

Lễ hội Mai An Tiêm một lễ hội văn hóa truyền thống, là dịp để các thế hệ con cháu tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối có công gây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông đất nước. Từ đó, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh du lịch huyện Nga Sơn, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nga Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Lễ hội Mai An Tiêm ngày càng huyện Nga Sơn đầu tư, tổ chức.
Lễ hội Mai An Tiêm ngày càng được huyện Nga Sơn đầu tư, tổ chức hoành tráng.

Chương trình khai mạc Lễ hội Mai An Tiêm gồm có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ, gồm: Lễ rước sắc phong từ làng văn hóa Văn Đức về đền thờ Mai An Tiêm, lễ dâng hương tưởng niệm, đánh trống khai hội, đọc chúc văn ca ngợi công đức Mai An Tiêm. Phần hội, gồm: Thi khắc dưa hấu, thi cờ tướng, thi đấu bóng chuyền, kéo co và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ…

Huyền Trang