Ngày môi trường thế giới 2020: "Hành động vì thiên nhiên"

20:04 - 05/06/2020

"Hành động vì Thiên nhiên" (Time for Nature) là chủ đề được Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn cho Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế chuẩn bị bước sang Thập niên phục hồi hệ sinh thái (2021 - 2030) - với mục tiêu khôi phục mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Cũng trong ngày này , Liên Hợp Quốc đã chỉ rõ mối liên kết giữa sức khỏe của hành tinh và sức khỏe con người , và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học, hệ thống hỗ trợ sự sống.

 

Khoảng rừng bị chặt phá ở khu vực Tây Amazon, Brazil. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Khoảng rừng bị chặt phá ở khu vực Tây Amazon, Brazil. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu ngày 5 tháng 6, người đứng đầu Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: “Thiên nhiên đang gửi đến chúng ta một thông điệp rõ ràng. Chúng ta đang phá hủy thế giới tự nhiên, gây thiệt hại cho chính chúng ta”. Ông Guterres nhấn mạnh: “Suy thoái môi trường sống và mất đa dạng sinh học đang gia tăng, gián đoạn khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn… Để chăm sóc nhân loại, chúng ta phải chăm sóc thiên nhiên”.

Trong khi đó Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và môi trường David Boyd cho rằng, các quốc gia nên hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường và ngăn chặn sự gián đoạn khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm độc hại và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người.

Đại dịch COVID-19 được coi là một minh chứng thuyết phục cho hậu quả của việc phá hủy đa dạng sinh học. Bà Kristine McDivitt Tompkins, Chủ tịch Trung tâm Bảo tồn Tompkins Conservation, cho rằng loài người từng có một vùng đệm - vùng đất rộng lớn của thiên nhiên không bị xáo trộn – ngăn những căn bệnh chết người như COVID-19. Nhưng bằng cách phá rừng và phá hủy các môi trường sống tự nhiên khác hay thay thế các loài bản địa bằng các sinh vật ngoại lai, chính con người đã đưa những mầm bệnh này ra khỏi vật chủ tự nhiên của chúng và tạo ra một lối tắt cho chúng xâm nhập. Tình trạng này đã xảy ra ở lưu vực sông Amazon, nơi nạn phá rừng khiến bệnh sốt rét tăng mạnh. Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (SARS), Ebola và cúm gia cầm cũng là những ví dụ điển hình tương tự.

Với đà hủy diệt sinh học như hiện nay, các nhà khoa học cảnh báo rằng con người sẽ phải trả giá đắt. Đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học là cách duy nhất để khôi phục và duy trì một hành tinh khỏe mạnh.

Theo TSQT 5/6/2020