Nghề làm sinh vật cảnh và bonsai

07:49 - 09/05/2022

(TTV) - Cuộc sống con người luôn cần có sự hòa hợp với thiên nhiên, cây cối. Thông qua việc chăm sóc cây cảnh, các nghệ nhân đã sáng tạo ra cho cuộc sống con người những cảnh quan thiên nhiên đầy sinh động và hấp dẫn. Họ thầm lặng gửi gắm những tâm tư, ước vọng, niềm tin vào dáng thế của từng tán lá, thân cành, với nhiều ý niệm sâu sắc và giàu tính tư tưởng. Các bậc cao niên xưa có câu nói "Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ kiểng", ngày nay, thú chơi cây cảnh, bonsai ngày càng phát triển, tạo nên một sân chơi hữu ích vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa có thể phát triển kinh tế.

 

Từ xưa con người đã đưa cây cối từ thiên nhiên vào trong chậu để tạo tác những dáng thế như ý muốn, để thưởng ngoạn, dần trở nên một thú chơi tao nhã. Chơi cây cảnh làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, trở thành một nếp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Cây trồng trong chậu thường được người Nhật gọi là "Bonsai", còn ở Việt Nam ta thường gọi là "Bồn cảnh", "Chậu cảnh". Xưa kia, thú chơi này chỉ có ở những gia đình quyền quý, ngày nay, đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt ở lớp người lớn tuổi. Để có được những chậu cây cảnh như ý, người ta có thể ươm trồng, cũng có thể khai thác từ thiên nhiên.

Bonsai có nhiều nghĩa, tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản là cây cảnh được trồng trong chậu, khe đá, tảng đá, được cắt tỉa, uốn nắn từ rễ, thân, cành cho đến ngọn, tạo dáng như những cây cổ thụ thu nhỏ, “bắt chước” như cây ngoài thiên nhiên với dáng dấp, hình thái ấn tượng, bố cục hài hòa. Thú chơi cây cảnh, bonsai cũng lắm công phu. Trước hết, nó đòi hỏi người chơi phải thực sự đam mê, có kiến thức về chăm sóc cây cảnh, có thời gian và không gian. Những chậu cây cảnh, bonsai có dáng thế đẹp được ví như những tác phẩm nghệ thuật. Chúng mang vẻ đẹp kỳ diệu từ thiên nhiên, kết hợp với sự sáng tạo tài hoa của các “nghệ nhân”, đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn.

Theo quan niệm của giới sành chơi: Tác phẩm nghệ thuật bonsai tựa như bức tranh trừu tượng của người họa sĩ, tựa như lời bài hát đầy hàm ý của các nhạc sĩ. Không dễ để giải nghĩa một cách rõ ràng nhưng tựu lại, mỗi nghệ nhân đều mong muốn tác phẩm mà mình tác tạo phải mang tính độc đáo, kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự tài hoa của người làm ra. Ở mỗi tác phẩm của mình, các nghệ nhân đều muốn gửi gắm cho đời những ý nghĩa riêng sâu sắc. Bởi vậy, nghề chơi sinh vật cảnh, bon sai là sự kết nối những ý tưởng sáng tạo không giới hạn.

Cây bonsai cũng có vòng đời và quá trình sinh trưởng như mọi loại cây trồng khác. Do đó, việc chăm sóc cây bonsai yêu cầu những kỹ thuật nhất định mà người chơi  cần nắm được; trong đó có những kĩ thuật căn bản như: Lượng nước tưới, phân bón, thời điểm tỉa cành, tỉa lá…  Tuy nhiên, vì là một tác phẩm nghệ thuật, nên việc chăm sóc cây bon sai, ngoài yếu tố kĩ thuật thông thường, còn đòi hỏi sự đầu tư công sức, tâm huyết cũng như khả năng sáng tạo của người chơi. Bên cạnh đó, kinh nghiệm phong phú đúc kết được qua quá trình chơi sinh vật cảnh cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Người càng có nhiều kinh nghiệm, càng có khả năng tạo nên những tác phẩm đẹp và độc đáo. So với các loại cây trồng thông thường, việc chăm sóc cây bonsai cầu kỳ, công phu hơn rất nhiều.

Để tạo nên một tác phẩm bonsai đẹp, chậu trồng là yếu tố quan trọng, không thể bỏ qua. Một chiếc chậu phù hợp không chỉ giúp cây phát triển, sinh trưởng tốt, mà còn góp phần tăng giá trị thẩm mỹ của tổng thể tác phẩm. Chính bởi vậy, với những người chơi bonsai chuyên nghiệp, việc chọn chậu để trồng cây bonsai luôn được quan tâm, chăm chút hàng đầu.

Chậu trồng cần có chất liệu, kiểu dáng và  màu sắc tương ứng với cây được trồng trong chậu. Do thế giới cây bonsai muôn hình vạn trạng, nên chậu trồng cũng rất đa dạng và phong phú. Chẳng hạn với cây có tán rộng, thì nên chọn chậu hình vuông; cây có dáng to, khỏe nên chọn chậu hình chữ nhất;  cây có dáng thác đổ nên chọn chậu hình trụ, có đáy sâu…

Tùy thuộc vào độ lớn, độ cao của cây, độ rộng của tán, người chơi bonsai sẽ chọn chậu có kích thước phù hợp để cây sinh trưởng tốt. Việc lựa chọn kích thước chậu, ngoài kiến thức căn bản, cần kinh nghiệm của người chơi. Màu sắc của chậu cũng là điểm đáng lưu ý. Thông thường, người chơi sẽ lựa chọn những chiếc chậu có màu sắc đối lập với cây để tạo điểm nhấn. Tuy nhiên, điều này còn tùy vào từng trường hợp cụ thể và “gu” thẩm mỹ của từng người. Một số người chơi sẽ có cách lựa chọn màu sắc chậu không theo quy tắc thông thường, để tạo nên sự khác biệt, độc đáo riêng cho tổng thể tác phẩm.

Ngày nay, Nghệ thuật Bonsai - sinh vật cảnh không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ một phôi gốc hoặc những cây sưu tầm được, nghệ nhân “mát tay” sẽ uốn nắn, cắt tỉa, tạo dáng để nâng tầm giá trị cây lên gấp nhiều lần.

Được thành lập từ năm 1994, sau gần 30 năm hoạt động, đến nay Hội sinh vật cảnh Thanh Hóa đã phát triển lớn mạnh. Từ chỗ ban đầu chỉ vài chục hội viên, đến nay Hội đã quy tụ hàng nghìn người, với 27 tổ chức từ Tỉnh đến các huyện, thị, Thành phố và các câu lạc bộ chuyên ngành. Không ít  hội viên sinh vật cảnh có thu nhập cao  từ nghề này.  Tỉnh Thanh Hóa vinh dự có 7 người  được phong tặng danh hiệu “nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam” và 160 nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh. Có nhiều nhà vườn sinh vật cảnh đẹp không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn trở thành điểm tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn, thu hút du khách gần xa đến thưởng ngoạn.

Qua dòng chảy của thời gian, thú chơi sinh vật cảnh dù có lúc thăng, lúc trầm, song vẫn luôn khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Những tác phẩm sinh vật cảnh không chỉ làm đẹp cho cuộc đời, mà còn  hướng con người đến những giá trị nhân văn sâu sắc, khơi gợi tình yêu với thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Với nỗ lực của các tổ chức, các nghệ nhân và người yêu sinh vật cảnh, thú chơi sinh vật cảnh Thanh Hóa luôn được gìn giữ, phát huy không ngừng; tạo nên những tác phẩm có giá trị, khẳng định vị trí trong giới sinh vật cảnh cả nước;  góp phần làm giàu hơn, đẹp hơn đời sống tinh thần của người xứ Thanh trong cuộc sống hôm nay./.

Quang Tùng - Thu Trang - Xuân Quang/Phim khoa giáo ngày 5.5

Trình bày: Minh Hương