Nhà giá rẻ tại Hà Nội cắt lỗ vẫn ế ẩm

06:43 - 04/10/2018

Trái ngược cảnh phải xếp hàng, mua chênh lên đến vài trăm triệu để sở hữu một căn hộ như trước đây, hiện nhiều chung cư thương mại giá rẻ tại Hà Nội lại đang rớt giá thảm hại. Thậm chí, nhiều nơi bán cắt lỗ nhưng vẫn ế ẩm.

Cách đây 3 năm, anh Tuấn Anh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) phải bỏ ra 1,2 tỷ đồng bao gồm cả tiền chênh để mua căn hộ chung cư giá rẻ tại khu chung cư Đại Thanh. Hiện gia đình anh có nhu cầu muốn bán lại căn hộ nhưng rao mấy tháng không ai hỏi mua.

Anh Tuấn Anh cho biết: "Căn hộ hơn 60m2, dù đã có sổ đỏ và làm nội thất đầy đủ nhưng tôi rao bán với giá 800 triệu đồng và chịu lỗ 400 triệu đồng so với số tiền ban đầu gia đình tôi bỏ ra song vẫn không có khách mua. Thậm chí có khách đến xem không ưng quay đi không thèm hỏi đến giá”.

Theo chia sẻ của anh Tuấn Anh, lý do ngày càng nhiều hộ dân tìm cách "tháo chạy" khỏi khu chung cư giá rẻ vì thấy nhiều sự bất tiện. Bên cạnh hạ tầng, chất lượng công trình ngày càng xuống cấp, ngày nào vợ chồng anh cũng phải "đánh vật" vì cảnh tắc đường diễn ra thường xuyên mỗi khi đi làm và trở về. Nhận thấy khu nhà đã xuống giá nên khi rao bán lần đầu, anh Tuấn Anh chịu lỗ 200 triệu đồng. Sau khi không có ai hỏi mua, anh tiếp tục rao bán lỗ thêm 200 triệu đồng nữa.

Hiện tại đã qua 3 tháng kể từ ngày rao bán nhưng căn hộ của anh Tuấn Anh vẫn chưa có khách mua. “Nếu từ giờ đến cuối năm tôi vẫn không bán được, tôi sẽ tính đến chuyện cho thuê nhưng giá thuê ở đây cũng khá thấp”, anh Tuấn Anh cho biết.

chung cư thương mại giá rẻ

Nhiều chung cư thương mại giá rẻ tại Hà Nội đang rớt giá thảm hại

Tương tự, cách đây vài năm, nhiều người cũng phải bỏ ra tiền "chênh" để sở hữu căn hộ giá rẻ tại khu vực Kim Văn, Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng nay họ lại đang rầm rộ rao bán. Một người mua nhà tại đây chia sẻ, tình trạng quá tải chỗ để xe tầng hầm khiến cư dân vô cùng mệt mỏi mỗi khi đi lấy xe. Nhiều gia đình bán cắt lỗ đến vài trăm triệu đồng nhưng rao bán vài tháng không có khách hỏi mua.

Ông Lê Song Công, giám đốc sàn BĐS Lê Công cho biết, nếu như vài năm trước để sở hữu những căn hộ thương mại giá rẻ, khách hàng phải mua chênh thông qua các sàn bất động sản thì nay lại khác. Bên cạnh việc có nhiều lựa chọn thì chất lượng công trình, các điều kiện về hạ tầng của các khu nhà thương mại giá rẻ còn nhiều tồn tại bất cập nên làm cho khách hàng phải cân nhắc khi xuống tiền.

Ngay cả những dự án đang xây dựng của các chủ đầu tư cũng diễn ra tình trạng ế ẩm. Cụ thể, một dự án giá rẻ tại khu Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) cũng trong tình trạng bán đi bán lại nhưng số lượng khách hàng tìm mua rất ít. Một nhân viên môi giới tại dự án than thở: "Nếu như trước đây, nhà giá rẻ ra đến đâu hết đến đó thì nay, cả tháng mới có khách hỏi mua. Chủ đầu tư tung mọi chính sách về lãi suất 0%, khuyến mại nội thất nhưng lượng giao dịch thành công thấp".

Không chỉ nhà ở giá rẻ rơi vào cảnh “thất sủng”, nhiều dự án chung cư cũng đang được khách hàng rao bán cắt lỗ, ngay cả những dự án chỉ mới động thổ xây dựng. Trên trục đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) có hàng chục dự án chung cư đã và đang chuẩn bị bàn giao cũng đều xảy ra hiện tượng cắt lỗ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường những tháng cuối năm 2018 không có nhiều tín hiệu khả quan, nhất là ở phân khúc căn hộ. Theo dự báo của chuyên gia này, thị trường thời gian tới có thể tương đối khó khăn, do tình hình cung cầu, tín dụng bất động sản bị siết lại...

Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải có kế hoạch phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và giảm chi phí để giảm giá bán, mà ngay cả các khách hàng cũng cần lưu ý khi lựa chọn kênh đầu tư để tránh thua lỗ.

(Theo Tiền phong Online)