Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

21:14 - 20/10/2019

(TTV) - Xác định, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài trong chương trình xây dựng nông thôn mới, do dậy, trong quá trình thực hiện, huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tại địa phương, qua đó, hình thành các mô hình sản xuất quy mô lớn và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Cánh đồng Xốn, xã Thọ Trường được huyện Thọ Xuân xem là điển hình trong chuyển đổi mô hình sản xuất khi thực hiện xây dựng nông thôn mới. 130 ha của cánh đồng này trước kia là vùng đất sâu trũng, cấy lúa 1 vụ không ăn chắc. Nhiều hộ dân bỏ ruộng do hiệu quả kinh tế quá thấp khiến chính quyền địa phương không khỏi lo ngại. Từ khi xã Thọ Trường thực hiện đề án  “Phát triển kinh tế đồng Xốn”, địa phương đã mạnh dạn đứng ra làm cầu nối, khuyến khích các hộ có điều kiện, nhu cầu thuê lại đất để đầu tư xây dựng các gia trại, trang trại, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân.

Từ việc xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Thọ Xuân đã có được 16 cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa ở 14 xã, với tổng diện tích trên 1.250 ha. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên 90% diện tích, diện tích cấy lúa bằng máy đạt trên 40%. Từ chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành 9 mô hình nhà màng, nhà lưới với diện tích trên 65.000m2 để sản xuất rau, củ, quả an toàn, mang lại hiệu quả cao.  

­­­­­­­­­­­­­­

Thành công trong chuyển đổi và xây dựng các mô hình sản xuất  ở huyện Thọ Xuân là đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, huyện đã xây dựng 21 chuỗi liên kết sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Để tạo sự phát triển đồng đều, huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi được trên 730 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng sen xuất khẩu, kết hợp nuôi cá nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn huyện có trên 100 trang trại, gia trại với tổng giá trị sản phẩm hàng hóa hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng. Từ việc nhân rộng các mô hình sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 42,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,42%, nhờ đó, điều kiện cơ sở vật chất và đời sống nông thôn được thay đổi căn bản và toàn diện./.

Theo Chương trình thời sự tối 20/10