Nhiều cơ sở chế biến lâm sản gây ô nhiễm môi trường

07:35 - 22/03/2018

(TTV) - Phớt lờ quy định của Nhà nước do chế tài chưa đủ sức răn đe, nhiều cơ sở sản xuất lâm sản ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn hàng ngày xả thải chưa qua xử lý, xả thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân.

 

Những dòng nước lúc đen kịt, lúc chuyển màu nâu vàng chảy từ các rãnh, cống hòa vào nước sông Mã
Những dòng nước lúc đen kịt, lúc chuyển màu nâu vàng chảy từ các rãnh, cống hòa vào nước sông Mã

Ngày 14/3 tại khu vực sông Mã đoạn chảy qua địa bàn xã Xuân Phú huyện Quan Hóa. Những dòng nước lúc đen kịt, lúc chuyển màu nâu vàng chảy từ các rãnh, cống hòa vào nước sông Mã, khiến dòng sông chuyển thành nhiều màu bất thường, mùi hôi bốc lên nồng nặc... Lần theo các đường cống, rãnh này có thể dễ dàng phát hiện các cơ sở sản xuất lâm sản, giấy, bột giấy ven sông chính là thủ phạm khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng. Tại Hợp tác xã Hợp Phát, một trong những cơ sở có quy mô sản xuất trung bình từ 1.700 tấn đến 1.800 tấn giấy vàng mã 1 năm, đại diện hợp tác xã này cho biết, đã đầu tư trên 4,6 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở chế biến nông, lâm sản; trong đó có hơn chục cơ sở chuyên sản xuất giấy, bột giấy. Đây là ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do trong quá trình sản xuất và ngâm ủ bột giấy, các cơ sở thường sử dụng hóa chất và lượng nước khá lớn. Điều đáng nói là có những cơ sở dù đã hoạt động trên dưới 10 năm nhưng không có công trình xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc có xây dựng nhưng chỉ mang tính chất đối phó và không được cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Một số cơ sở sản xuất dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần vì gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không cải thiện tình hình, vẫn tiếp tục vi phạm và tìm cách bao biện cho hành động của mình.        

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất lâm sản, nói chung, sản xuất giấy, bột giấy, nói riêng là ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của 1 số cơ sở, doanh nghiệp còn quá kém. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn chưa cao. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong các chương trình thời sự  tiếp theo./.

Hồng Ngọc - Đức Tình