Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu hụt nguồn lao động

20:28 - 06/03/2021

(TTV) - Từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều tín hiệu khởi sắc về đơn hàng, thị trường xuất khẩu. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn trong tuyển dụng và phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.

 

Đơn hàng xuất khẩu đã ký hết năm 2021, thế nhưng tại đơn vị dệt may này, nhiều dây chuyền sản xuất vẫn phải bỏ không vì thiếu lao động.
Đơn hàng xuất khẩu đã ký hết năm 2021, thế nhưng tại đơn vị dệt may này, nhiều dây chuyền sản xuất vẫn phải bỏ không vì thiếu lao động.

Đại diện lãnh đạo đơn vị cho biết từ đầu năm đến nay, công ty liên tục đăng thông tin tuyển dụng lao động, với số lượng cần tuyển thêm khoảng trên 300 người. Thế nhưng số lao động tuyển được lại rất ít.

Thanh Hóa hiện có hơn 200 nhà máy may. Theo Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, số lao động đang làm việc trong các nhà máy may tại Thanh Hóa mới chỉ đáp ứng khoảng 60% đến 70% công suất thiết kế của các nhà máy nên nhu cầu tuyển dụng lao động tại các đơn vị là rất lớn. Hiện đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số doanh nghiệp dệt may ở các địa phương như: thành phố Thanh Hóa, Bỉm Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Yên Định, Thạch Thành.

Nhiều năm làm công tác tư vấn dịch vụ việc làm, đại diện lãnh đạo trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết: Chỉ tính từ sau Tết nguyên đán đến nay các doanh nghiệp dệt may, da giày trong tỉnh đã đăng ký tuyển dụng tới gần 10 nghìn vị trí việc làm. Tuy nhiên, số lượng lao động tuyển dụng được lại không nhiều. Theo đơn vị này, nguyên nhân là do mức tiền lương, chế độ phúc lợi mà các doanh nghiệp đưa ra vẫn chưa hấp dẫn người lao động. Trong khi số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều đã tạo ra sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường lao động.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong giai đoạn tới ngành dệt may Việt Nam nói chung, tại Thanh Hóa nói riêng sẽ tiếp tục đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động. Để giải quyết bài toán này, các chuyên gia cho rằng cần cấp phép các dự án sử dụng nhiều lao động theo quy hoạch, tránh xung đột cạnh tranh lao động không lành mạnh. Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động đổi mới công tác quản lý, đầu tư thêm máy móc, thiêt bị công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động. Quan tâm thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, thu nhập cho công nhân. Có như vậy, mới thu hút và giữ chân người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Thanh Thảo – Tuấn Anh

Theo Bản tin Thười sự Tối/TTV