Nhiều hộ nông dân khu vực miền núi Thanh Hoá phát triển sản xuất từ nguồn vốn vay ngân hàng

07:00 - 13/04/2024

Sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi qua các kênh Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách Xã hội là đòn bẩy giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách, nhất là bà con nông dân khu vực miền núi Thanh Hóa triển khai có hiệu quả các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Thông qua việc vận dụng linh hoạt, kịp thời các nguồn vốn, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, phát triển sản xuất và làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

Năm 2021, gia đình chị Cao Thị Huệ, ở thôn Giang Hồng 2, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ được cho vay hơn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cẩm Thuỷ để phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Từ nguồn vốn này, ban đầu gia đình đầu tư mua hơn 100 con lợn, nuôi cá và trồng 1 ha keo lai. Nhờ đầu tư hiệu quả. gia đình chị Huệ đã đầu tư tăng đàn lợn lên 300 con và mở rộng diện tích trồng keo lên hơn 10 ha. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình có lãi từ 300 - 400 triệu đồng. 

Nhiều hộ nông dân khu vực miền núi Thanh Hoá phát triển sản xuất từ nguồn vốn vay ngân hàng- Ảnh 1.

Trang trại của gia đình chị Cao Thị Huệ, ở thôn Giang Hồng 2, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ

Để giúp các gia đình nông dân phát triển kinh tế, nhất là những hộ nghèo, từ năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hoá đã cho hơn 189 nghìn hộ ở các huyện miền núi Thanh Hóa vay vốn với số tiền đạt hơn 25.487 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho vay theo thỏa thuận liên ngành 01 và 02 tại các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 18.410 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay theo thỏa thuận liên ngành 01 qua kênh Hội nông dân trên 11.500 tỷ đồng; cho vay theo thỏa thuận liên ngành 02 qua kênh Hội liên hiệp phụ nữ trên 6.800 tỷ đồng. Nhìn chung chất lượng tín dụng trên địa bàn các địa phương đến thời điểm hiện tại đều tốt, chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ.

Ông Phan Văn Hùng, Trưởng phòng khách hàng cá nhân, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá

Với chính sách thiết thực, hiệu quả, chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất ở khu vực miền núi đã, đang phát huy vai trò tích cực, trở thành một trong những giải pháp quan trọng, nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, ngoài việc thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa và Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 2%/năm, các khoản vay trung hạn, dài hạn sẽ giảm 1,5%/năm cho các khách hàng là nông dân, qua đó giúp các đối tượng này giảm bớt các chi phí phát sinh, góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

Nguồn: Bản tin Thanh Hoá ngày mới 13/04/2024