Nhiều nước châu Á tụt hậu trong cuộc chiến chống hối lộ, tham nhũng

10:43 - 20/10/2020

Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa cảnh báo về việc thực thi lỏng lẻo các chính sách chống tham nhũng quốc tế và nguy cơ phá hoại quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của nhiều nước trên thế giới.

 

Nhiều nước châu Á tụt hậu trong cuộc chiến chống hối lộ, tham nhũng - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Báo cáo “Xuất khẩu Tham nhũng 2020” của Tổ chức Minh bạch Quốc tế chỉ liệt kê được 4 quốc gia tích cực trong công cuộc chống hối lộ quốc tế.

Trong một báo cáo có tiêu đề “Xuất khẩu tham nhũng 2020”, Tổ chức Minh bạch Quốc tế - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đức - đã đánh giá 47 nền kinh tế chiếm 83% xuất khẩu của thế giới, dựa trên các chỉ số chống tham nhũng như số cuộc điều tra được bắt đầu và số lượng các trường hợp đã kết luận có chế tài.

Tất cả 6 nền kinh tế châu Á được khảo sát bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore đều bị xếp vào nhóm cuối cùng trong 4 nhóm xếp loại, với việc thực thi “rất ít hoặc không thực thi” đối với hành vi hối lộ.

Có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong nhóm cuối cùng này, chiếm 36,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.

Úc nằm trong nhóm tốt thứ 2, với mức độ thực thi vừa phải, trong khi New Zealand nằm trong nhóm thứ 3, được phân loại là nhóm vẫn còn những hạn chế.

Chỉ có 4 quốc gia trên toàn thế giới lọt vào danh sách nhóm thực thi tích cực hàng đầu là: Mỹ, Anh, Thụy Sĩ và Israel.

Theo Gillian Dell, người đứng đầu bộ phận công ước của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, điều này không có nghĩa là các quốc gia châu Á tham nhũng nhiều hơn các quốc gia khác, nhưng nó có nghĩa là các quốc gia này có ít khả năng trong việc răn đe chống lại những vấn đề về tham nhũng liên quan đến các công ty kinh doanh ở nước ngoài.

Mặc dù báo cáo không xem xét cụ thể lý do tại sao các quốc gia châu Á lại ít tích cực hơn trong việc thực thi chống hối lộ trong kinh doanh quốc tế, nhưng những vấn đề này cuối cùng vẫn đi đến một câu hỏi về ý chí chính trị, Dell nói: "Có vẻ như thiếu sự cam kết tại những quốc gia này".

Cuộc khảo sát của tổ chức này không thể tìm thấy một cuộc điều tra nào của Trung Quốc liên quan đến vấn đề hối lộ nước ngoài trong suốt 3 năm - từ 2016 đến 2019, mặc dù các công ty Trung Quốc đã vướng vào nhiều vụ bê bối và bị các nước khác điều tra.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng đã trích dẫn một số trường hợp được báo cáo rộng rãi, bao gồm một cuộc điều tra của Mỹ đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE vì nghi ngờ hối lộ cho các quan chức nước ngoài.

Tương tự như vậy, Hồng Kông và Ấn Độ cũng không mở bất kỳ cuộc điều tra nào như vậy trong suốt 4 năm, trong khi Singapore chỉ tiến hành một cuộc điều tra và kết luận một trường hợp với các biện pháp trừng phạt.

Báo cáo nhấn mạnh: “Các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ và Singapore có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng đối với bên cung cấp hàng hóa trong thương mại quốc tế và giúp ngăn chặn cuộc đua xuống đáy”.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không làm được nhiều hơn thế. Theo báo cáo, trong cùng giai đoạn 2016 đến 2019, Nhật Bản đã mở một cuộc điều tra, khởi tố một vụ và kết luận một vụ với các biện pháp trừng phạt. Hàn Quốc đã mở ít nhất một cuộc điều tra, khởi tố 2 vụ và kết luận xử phạt 5 vụ.

Để so sánh với các nước được xếp hạng ở nhóm đầu tiên, báo cáo cho thấy, Mỹ đã mở ít nhất 72 cuộc điều tra, khởi tố 24 trường hợp và kết luận xử phạt 130 trường hợp.

Hối lộ trong kinh doanh quốc tế có thể làm suy yếu sự phát triển kinh tế của các nước cùng tham gia vào kinh doanh trên thị trường bằng cách làm sai lệch công tác quản trị và cạnh tranh bình đẳng.

Ngoài ra, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng chỉ ra rằng, điều này có thể sẽ cản trở nỗ lực của các chính phủ trong việc khắc phục thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19.

Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Tiền bị mất do hối lộ nước ngoài đã gây lãng phí hàng triệu USD, nếu không có sự lãng phí như vậy thì số tiền ấy có thể đã được chuyển đến các dịch vụ cứu sinh như chăm sóc sức khỏe cho mọi người”.

“Quá nhiều chính phủ đã chọn cách làm ngơ khi các công ty của họ sử dụng hối lộ để giành được công việc kinh doanh ở thị trường nước ngoài", ông nói thêm.

Tổ chức này kêu gọi các quốc gia trên thế giới phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế nạn hối lộ. Các khuyến nghị được đưa ra bao gồm: công khai kết quả vụ việc để cho thấy tham nhũng quốc tế đang được xử lý như thế nào, cũng như tăng cường luật pháp và hệ thống thực thi để xử lý các vụ việc phức tạp.

Thùy Dung/ Dân trí