Những thông tin cần biết về Dịch tả lợn châu Phi

16:59 - 11/09/2018

(TTV) - Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao qua các tỉnh giáp biên giới. Để tránh nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh, người dân cần lưu ý những điểm sau:

 

 Dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao qua các nước có tỉnh giáp biên giới với nước ta

1. Dịch tả lợn châu Phi là gì?

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), bệnh Dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

2. Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm như thế nào?

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10.9.2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa Châu Âu và Châu Á ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500.000 con. Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị, gây chết ở lợn với tỉ lệ rất cao. Virus gây ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

3. Dịch bệnh nguy hiểm, có lây lan cho người?

Theo các chuyên gia của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), virus của dịch tả lợn hiện không có vaccine, không thể chữa nhưng không phải là nguy cơ trực tiếp đối với con người.

Virus dịch tả lợn châu Phi ít có khả năng lây lan qua việc vận chuyển động vật sống mà thông qua thịt lợn đã chế biến hoặc sản phẩm tươi. Virus này sống rất khỏe và có thể tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng trong thịt lợn được bảo quản hoặc thịt muối, thức ăn chăn nuôi.

4. Giải pháp phòng ngừa bệnh?

Do chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính.

Theo khuyến nghị của Cục Thú y, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Vì virus dịch tả lợn có khả năng chịu được nhiệt độ, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, virus có thể tồn tại được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng; virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút.

Người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. 

Để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 30.8.2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, trong đó yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới...

Việt Hòa