Những thông tin về siêu bão Mangkhut

16:22 - 14/09/2018

(TTV) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sáng sớm ngày 14/9, siêu bão Mangkhut vẫn ở cường độ rất mạnh, giật trên cấp 17, tiếp tục hướng vào Biển Đông.

 

1. Tên siêu bão Mangkhut có nghĩa là gì?

Tên "Mangkhut" nghĩa là "quả măng cụt" trong tiếng Thái. Mangkhut có thể là cơn bão mạnh nhất lịch sử từng đe dọa Hong Kong, được dự đoán có sức tàn phá tương đương siêu bão Haiyan, cơn bão khiến 6.300 người Philippines thiệt mạng năm 2013.

Theo các chuyên gia, hai cơn bão này tương tự nhau về cả quỹ đạo chuyển động. Tuy nhiên bão Haiyan (2013) đổ bộ miền Trung của Philippines, vùng sức chống chọi thấp. Trong khi đó siêu bão Mangkhut năm nay đi vào vùng đảo Luzon, đây là đảo lớn nằm ở phía Bắc Philippines có sức chống chọi tốt hơn. Vì thế, dự báo hậu quả do siêu bão Mangkhut so với Haiyan sẽ bớt khốc liệt.

2. Sức tàn phá của siêu bão Mangkhut mạnh như thế nào?

Thông thường, chúng ta biết bão được chia từ cấp 1 đến cấp 12. Cấp 12 được cho là cấp bão cực mạnh, mưa lớn cùng với sức gió mạnh. Thế nhưng siêu bão Mangkhut lại được dự báo mạnh cấp 17. Vậy bão cấp 17 như thế nào và độ nguy hiểm của chúng ra sao? 

Theo thang đo Beaufort, sức gió của bão cấp 17 sẽ ở khoảng 202 - 220km/h. Kèm với đó là sóng biển cực mạnh, từng đợt sóng có thể dâng cao trên 14m, đủ khả năng đánh đắm những tàu biển có trọng tải lớn và cuốn trôi tất cả những gì chúng đi qua.

Cùng với đó, do hiện tượng nhiễu động khí cực mạnh ở khu vực - những cơn cuồng phong thịnh nộ cũng xuất hiện cùng bão. Nhiều công trình xây dựng sẽ bị hư hại nặng nề, với sức gió mạnh, cây cối sẽ nghiêng ngả, bật gốc dễ dàng.

Ví dụ về sự tàn phá của bão cấp 17, vào năm 2013, bão Haiyan đổ bộ vào đất nước Philippines đã san phẳng hầu như những khu vực mà nó đi qua, để lại một sự thiệt hại vô cùng lớn cho Philippines khiến hàng nghìn người chết, 6 tỉnh miền Trung Philippines, nơi siêu bão đổ bộ trực tiếp, gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Thiệt hại lên đến 14 tỷ USD.

Vị trí và hướng dịch chuyển của siêu bão Mangkhut

3. Những khu vực nào sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Mangkhut?

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, vào thời điểm này, khả năng cao các địa phương ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Từ sáng sớm 16-17/9, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh, sóng lớn. Khi vào Biển Đông, bão di chuyển tương đối nhanh 25 km/h, do vậy chúng ta càng có ít thời gian chuẩn bị ứng phó.

Đến trưa chiều 17/9, bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào đất liền các khu vực nói trên, thậm chí rìa nam của cơn bão có thể ảnh hưởng tới cả Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 

4. Kịch bản đổ bộ của bão như thế nào?

Theo ông Lê Thanh Hải, khả năng cao khoảng 60% bão Mangkhut di chuyển về phía bắc vịnh Bắc Bộ. Song, không loại trừ khả năng cơn bão này di chuyển lệch xuống thấp hơn, vào giữa vịnh Bắc Bộ. 

"Chúng tôi tạm thời đưa ra kịch bản đây là cơn bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15 ở trên vịnh Bắc Bộ. Song, bão Mangkhut có thể giảm cấp khi tương tác với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và vùng ven bờ. Công tác tổ chức phòng chống thiên tai cần đặt những ưu tiên cao", ông Lê Thanh Hải cho biết.

5. Diễn biến của siêu bão Mangkhut

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17. 

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều ngày 15.9 siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão.  

Do ảnh hưởng của bão, từ đêm ngày 14/9 ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, từ sáng ngày 15/9 tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Việt Hòa