Nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp năm 2018

23:45 - 17/06/2018

(TTV) - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 1.169 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng, nhưng còn đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, đa số hộ kinh doanh vẫn có tâm lý e ngại khi chuyển đổi lên mô hình hoạt động doanh nghiệp khiến cho việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp năm 2018 gặp không ít khó khăn thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, các địa phương, đơn vị.

[links()]

***

Nhận thấy những hạn chế về tiếp cận đối tác, mở rộng thị trường khi hoạt động ở mô hình HTX, anh Phạm Văn Mư, ở xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc quyết định tìm hiểu để thành lập doanh nghiệp chuyên về chế biến nông sản, thực phẩm an toàn. Trong quá trình thực hiện, anh được cán bộ phòng Tài chính huyện trực tiếp xuống nắm bắt tình hình hoạt động, hỗ trợ các thủ tục, hồ sơ thành lập. Tuy nhiên, anh Mư vẫn không khỏi lo lắng, e ngại khi chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.

Anh Phạm Văn Mư (Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh) cho biết: "Trong kế hoạch sẽ thành lập doanh nghiệp vào tháng 6 này tuy nhiên thị trường đầu ra chưa có nhiều, thứ hai là cán bộ làm thị trường hầu như chưa có, chi phí cho cán bộ còn hạn chế khó khăn."

 
 

Băn khoăn lo lắng của anh Mư cũng là tâm lý chung của nhiều HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Nắm bắt được điều này, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hộ kinh doanh, cá nhân hiểu được lợi ích của mô hình doanh nghiệp. Tính đến đầu tháng 6,  toàn huyện đã vận động, thành lập mới được 20 doanh nghiệp, đạt 30% kế hoạch.

Ông Phạm Ngọc Thoan (Trưởng phòng Tài chính huyện Ngọc Lặc) cho biết: "Huyện đưa chi cục thuế vào vận động, các ngành, đoàn thể vừa vận động, vừa có hỗ trợ về thành lập mới cho các hộ, phương pháp hạch toán kế toán, bước đầu tháo gỡ ngay khó khăn cho các hộ"

Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2018, Thanh Hóa tiếp tục duy trì là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với 1.169 doanh nghiệp được thành lập. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ ở cả ba khu vực: đồng bằng, miền núi và ven biển. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới mới chỉ đạt 39%. Việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp ở nhiều địa phương đạt rất thấp so với chỉ tiêu giao. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 136 doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm 2018, toàn tỉnh phải thành lập mới 1.831 doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, các cấp các ngành, các địa phương đang tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân thực hiện các hồ sơ  thủ tục và đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Ông Lê Trọng Thụ (Phó chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa) cho biết: "UBND thành phố giao tổ tư vấn hướng dẫn cá nhân hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp muốn đầu tư trên địa bàn thành phố, thành phố sẽ tạo điều kiện về mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng kinh doanh hiệu quả."

Ngay từ đầu tháng  6 năm 2018,  các khóa đào tạo Khởi sự doanh nghiệp và Bồi dưỡng doanh nhân đã được đồng loạt tổ chức tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc công tác phát triển doanh nghiệp tại những địa phương khó khăn. Qua đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc, quyết tâm hoàn thành mục tiêu thành lập mới 3000 doanh nghiệp trong năm 2018 này./.

Thanh Thảo – Quốc An