Nông Quang Khiêm - Nhà báo trẻ "say" miền Tây Bắc

06:53 - 02/01/2019

Nhà báo Nông Quang Khiêm (Tạp chí Văn nghệ Yên Bái) là cây bút đã không còn xa lạ với bạn đọc bởi anh là tác giả của nhiều bài báo, truyện ngắn, bài thơ dồi dào sức sống và sự trải nghiệm về con người, vùng đất và văn hóa miền Tây Bắc. Qua những tác phẩm của mình, Nông Quang Khiêm hy vọng mảnh đất quê nhà sẽ hiện lên ngày càng gần gũi, thân thuộc với bạn đọc khắp cả nước.

 

Nhà báo Nông Quang Khiêm (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Nông Quang Khiêm sinh năm 1984 ở thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Năm 2011, Nông Quang Khiêm trở thành phóng viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Được thử sức với nhiều thể loại, đặc biệt là ký báo chí, chàng phóng viên trẻ bắt đầu khám phá, hăng hái đặt chân đến những nơi được gọi là cao và xa nhất của tỉnh như ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Yên… để tìm hiểu cuộc sống và tích lũy thêm vốn hiểu biết nhiều nền văn hoá của các dân tộc thiểu số anh em. “Cuộc sống, văn hóa dân tộc miền núi luôn là đề tài vô tận để mình khai thác. Làm báo có quá nhiều điều thú vị và ranh giới giữa báo chí với văn chương cũng thật mỏng manh”, nhà báo Nông Quang Khiêm khẳng định.

Tuy nhiên, giữa kiến thức được đào tạo với công việc đôi khi chẳng có gì ăn nhập với nhau vì Nông Quang Khiêm tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Những ngày đầu vào nghề biết bao khó khăn, bỡ ngỡ. Thấy kiến thức mình bị hổng, không có gì hơn là phải tự học, anh đã lao vào nghiên cứu tài liệu, cặm cụi tìm đọc các tác phẩm báo chí đoạt giải, các tập ký của thế hệ các nhà báo đi trước. Anh đã nhận được sự chỉ bảo và học hỏi được rất nhiều từ các nhà báo đi trước, như: Hoàng Thế Sinh, Ngọc Chấn, Thế Quynh, Nguyễn Hiền Lương, Hoàng Việt Quân… May mắn là trước khi viết báo anh đã viết văn và đã quen với viết lách, chỉ cần thêm một số kỹ năng báo chí nữa là ổn. Nhớ về thuở ban đầu ấy, nhà báo Nông Quang Khiêm cho biết: Khó khăn với tôi đó là cơ quan chỉ giao viết thể loại ký báo chí và phóng sự. Hơn nữa khi khai thác, tìm hiểu để có một bài viết thấu đáo, khách quan đòi hỏi nhà báo phải am hiểu sâu về vấn đề mình đang viết, mỗi bài viết khai thác một vấn đề khác nhau nên đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức rất rộng  nhiều khó khăn nữa”.

Nhà báo Nông Quang Khiêm (thứ 2 từ trái sang) trong một chuyến công tác (Ảnh: NVCC)

Những ngày đầu, háo hức được đặt chân đến nhiều nơi. Khi về đánh vật với câu chữ, ăn uống thất thường để có một tác phẩm vừa ý. Đôi khi trằn trọc mãi cái vấn đề mình bắt gặp rồi phát hiện ra nghề báo không chỉ toàn màu hồng. Anh hiểu sự quan trọng của trải nghiệm, trí tuệ và sáng tạo, theo đó là một trái tim nhiệt huyết, biết rung cảm, cảm thông, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Cứ sau một chuyến đi, sau một bài viết anh lại thấy mình trưởng thành hơn. Được lãnh đạo giao viết những bài thời sự nóng, quan trọng và hóc búa hơn.

Làm báo giúp anh có điều kiện thâm nhập thực tế, được trải nghiệm cuộc sống và đó cũng là cách anh tích luỹ tư liệu để viết truyện, làm thơ. Nhớ lần đi viết bài cho số báo Tết, lên trạm viba 1820 La Pán Tẩn. Trạm đặt trên ngọn núi có độ cao 1820 mét so với mực nước biển, từ chân dốc lên trạm là 5km, con đường quanh co, heo hút giữa rừng thông, không thể đi bằng phương tiện nào khác ngoài đôi chân của chính mình, biết vậy nhưng anh vẫn cố đi xe máy, chỉ được một đoạn đành phải “cất tạm” xe vào bìa rừng rồi tiếp tục đi bộ, hôm sau mới quay lại lấy xe. Rồi kỉ niệm trong lần đi viết bài ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái- thôn có số người nhiễm HIV rất cao đã đem lại cho anh những kí ức khó quên. Tối đó anh được trò chuyện với 17 người nhiễm HIV, nghe họ chia sẻ anh thấy đồng cảm, hiểu được nỗi cô đơn của họ khi bị tách khỏi cuộc sống bên ngoài và lại thấy họ thật đáng thương. Sau chuyến đi ấy, anh đã viết một loạt bài báo có hiệu ứng tích cực và đã thực sự “chạm” vào trái tim các nhà hảo tâm đến với nơi đây.

Nhà báo Nông Quang Khiêm (thứ 2 từ phải sang) trong một chuyến công tác (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân anh thì có rất nhiều điểm tựa tạo động lực và sức mạnh để anh hoàn thành công việc của một nhà báo. Đó là điểm tựa độc giả. Thỉnh thoảng nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả, cả ý kiến đánh giá, góp ý chân thành; đôi khi là một người không hề quen biết cảm ơn vì nhà báo đã nói hộ những suy nghĩ, trăn trở của mình. Đôi khi là lời cảm ơn của các nhân vật trong bài viết. Mỗi lần đi phỏng vấn, lấy tư liệu, mọi người không ngần ngại bày tỏ vướng mắc, nguyện vọng, anh cảm nhận được niềm tin họ đặt ở nơi mình…

Tất cả khiến anh có động lực hơn, trách nhiệm hơn trong từng bài viết để không phụ lòng độc giả. Một điểm tựa nữa với anh là gia đình, đồng nghiệp, bạn bè. Mỗi khi gặp khó khăn hay áp lực từ công việc, thấy những đồng nghiệp của mình vẫn làm việc cần mẫn, những người thân trong gia đình chia sẻ công việc nhà để anh dành thời gian nhiều hơn cho viết báo, bỗng thấy mình không có lý do gì để không cố gắng, và mọi khó khăn đều vượt qua dễ dàng.

Giờ đây công việc chính của anh là biên tập viên, phóng viên chỉ là kiêm nhiệm thêm, anh vẫn dành nhiều thời gian cho viết truyện, viết thơ, đôi khi cả sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian nhưng anh vẫn luôn đi cơ sở viết báo. Gần chục năm theo nghề báo, anh vẫn luôn quan niệm đó là nghề không chỉ là mưu sinh mà là những gì lớn lao hơn thế./.

Đức Duy/Công Luận