NSNA Nguyễn Hữu Thông: "Ảnh báo chí tác động đến suy nghĩ nhiều hơn"

06:43 - 02/04/2018

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Hữu Thông (Hội viên Chi hội NSNA, Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Giang) vừa xuất sắc giành Giải Đặc biệt ở hạng mục Du lịch của cuộc thi ảnh thường niên do Tạp chí Smithsonian (Mỹ) tổ chức. Anh đã có những chia sẻ về chuyện nghề ảnh và ranh giới giữa ảnh báo chí với ảnh nghệ thuật với phóng viên Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam.

PV: Vượt qua 48 nghìn tác phẩm của các nhiếp ảnh gia đến từ 155 quốc gia trên thế giới, tác phẩm ảnh “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” của anh đã giành Giải Đặc biệt ở hạng mục Du lịch do Tạp chí Smithsonian (Mỹ) tổ chức. Anh có cảm xúc ra sao khi nhận tin vui này?

NSNA Nguyễn Hữu Thông: Nói thật là tôi rất bất ngờ, mặc dù trước đó Ban Tổ chức có thông báo rằng tôi là một trong những người chiến thắng trong cuộc thi, nhưng cho tới tận ngày 27/3 thì họ mới công bố chính thức và tôi là người đoạt giải cao nhất. Cảm giác vô cùng tuyệt vời vì tôi đã làm được điều ngoài sự mong đợi của bản thân mình. Đây là một cuộc thi uy tín và tầm cỡ quốc tế, hầu như người chơi ảnh nào tham gia thi cũng muốn một lần được vinh danh.

Tác phẩm “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” với tôi là một sự tình cờ. Tôi là người thích tìm hiểu về lịch sử và văn hóa địa phương nên khi đến mỗi miền đất tôi thường thích tham quan các công trình lịch sử, văn hóa… thông thường thì văn hóa bản địa được thể hiện qua chợ, và đặc biệt chợ phiên vùng cao luôn mang một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Lần nào đến với Đồng Văn vào ngày chủ nhật, tôi cũng tham gia chợ phiên. Và thật may mắn cho tôi khi lần này vừa ngang qua quán phở đã bắt gặp khoảng khắc con người với ánh sáng và không gian tuyệt vời. Việc duy nhất tôi phải làm là bấm máy.

NSNA Nguyễn Hữu Thông (Ảnh: NVCC)

PV: Nhìn vào thực tế thì thấy số lượng tác phẩm ảnh của tác giả người Việt đoạt giải quốc tế không nhiều. Theo anh nguyên nhân là do đâu?

NSNA Nguyễn Hữu Thông: Tôi xin không đề cập đến lĩnh vực ảnh nghệ thuật thuần túy vì ở những cuộc thi đó Việt Nam thực sự là cường quốc huy chương. Tôi chỉ xin nói về những cuộc thi mở với quy mô toàn cầu, bản thân tôi rất ít tham gia các cuộc thi quốc tế nhưng tôi có xem và theo dõi một số cuộc thi. Thực tế có nhiều tác phẩm của Nhiếp ảnh gia người Việt vào chung kết nhưng số tác phẩm được giải hoặc đoạt giải cao nhất chưa nhiều. Nhìn từ góc độ chủ quan của bản thân, tôi thiết nghĩ có 2 lý do chính sau đây:

Một là, nhiều tác giả và tác phẩm tốt chưa tham gia thi vì có thể họ không thích tham gia hoặc chưa biết thông tin các cuộc thi này. Trong khi phần lớn các cuộc thi đều có thể lệ bằng tiếng Anh nên cũng là trở ngại cho một số tác giả.

Hai là, đây là sân chơi toàn cầu, thật không dễ dàng để chiến thắng, chúng ta phải thi đấu với nhiều tác giả và tác phẩm xuất sắc đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

PV: Từ kinh nghiệm thực tế của bản nhân, anh có thể chia sẻ với các nhà báo, hội viên Chi hội NSNA cách thức để có một bức ảnh đẹp?

NSNA Nguyễn Hữu Thông: Nhiếp ảnh cũng là một môn nghệ thuật, thế nên cảm xúc vô cùng quan trọng. Quan điểm của tôi là sáng tác bằng cảm xúc, máy ảnh chỉ là kỹ thuật, công cụ mà thôi. Để có cảm xúc tốt thì người chụp ảnh cần có nhiều trải nghiệm, kiến thức và sự rung động của tâm hồn. Khi chụp tôi chỉ nghĩ đó là thứ tôi yêu thích chứ không nghĩ nó sẽ dành cho cuộc thi nào hay mục đích gì.

Tác phẩm tôn vinh nét đẹp nghệ nhân dân gian tuồng của anh đã được trao Giải Nhất tháng cuộc thi Vẻ đẹp Bắc Giang do Báo Bắc Giang tổ chức năm 2014 (ảnh: NVCC)

PV: Là NSNA xin anh có thể cho biết ranh giới giữa ảnh nghệ thuật với ảnh báo chí?

NSNA Nguyễn Hữu Thông: Ranh giới giữa ảnh báo chí và nghệ thuật rất mong manh. Trong khi ảnh báo chí đề cao tính thông tin/thông điệp, tính thời sự và phải tuyệt đối tôn trọng sự thật thì ảnh nghệ thuật lại đề cao hình tượng nghệ thuật như ánh sáng, đường nét, bố cục, màu sắc và được tự do sáng tạo. Đôi khi có thể hiểu, ảnh nghệ thuật tác động đến thị giác nhiều hơn còn ảnh báo chí tác động đến suy nghĩ nhiều hơn. Theo xu thế hiện đại thì người ta ngày càng không muốn tách rời khái niệm giữa ảnh nghệ thuật với ảnh báo chí nữa. Khi ảnh báo chí giao thoa với ảnh nghệ thuật thì đó là chạm tới sự hoàn mỹ, có nghĩa là ảnh báo chí nhưng nhìn bằng lăng kính nghệ thuật, hoặc ảnh nghệ thuật mang nội dung và truyền tải thông điệp/thông tin như ảnh báo chí./.

PV: Xin trân trọng cám ơn anh!./.

Ngô Khiêm (thực hiện)/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN