Phải tạo thuận lợi cho báo chí tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời

08:19 - 07/06/2019

Hiện tượng các phóng viên chầu chực ở nhiều cơ quan Nhà nước nhưng đáp lại là "cổng đóng, then cài" hoặc là những lời khất hứa: "lãnh đạo bận họp", "hẹn khi khác"… Tình trạng người phát ngôn, người được uỷ quyền đòi hỏi phóng viên xuất trình giấy tờ vượt quá quy định vẫn liên tục diễn ra.

Còn tồn tại nhiều vụ việc

Nhìn chung các cơ quan tổ chức, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có trách nhiệm về cơ bản đã tôn trọng quyền tự do tác nghiệp của phóng viên nhưng vẫn còn không ít nơi, cá nhân ngăn chặn, né tránh sự điều trần của báo chí, cá biệt có những nơi ngăn cản, hành hung phóng viên diễn ra ngay tại chính những cơ quan công quyền, có hiểu biết về pháp luật.

Cụ thể, tháng 12/2018, phóng viên Báo Thanh tra đến UBND phường Vạn Phúc đăng ký làm việc theo quy định. Tại đây, cán bộ bộ phận một cửa phô tô thẻ nhà báo và đề nghị phóng viên ghi rõ thông tin cần tìm hiểu và không hỏi gì giấy giới thiệu. Vài ngày sau, phóng viên nhận được điện thoại của cán bộ Văn phòng UBND phường Vạn Phúc, họ nói có biết quy định của Luật Báo chí là phóng viên đã được cấp thẻ nhà báo không cần liên hệ làm việc qua giấy giới thiệu nữa nhưng vẫn mong được “thông cảm” vì yêu cầu của lãnh đạo.

Nơi ngăn cản, hành hung phóng viên diễn ra ngay tại chính những cơ quan công quyền, có hiểu biết về pháp luật (ảnh minh họa)

Nơi ngăn cản, hành hung phóng viên diễn ra ngay tại chính những cơ quan công quyền, có hiểu biết về pháp luật (ảnh minh họa)

Nhiều ngày sau đó, nhiều lần phóng viên chủ động liên hệ qua điện thoại nhưng chỉ nhận được lý do là lãnh đạo UBND phường bận nên chưa xếp được lịch làm việc, mong thông cảm. Từ đó đến nay sau nhiều tháng liên hệ, đặt lịch làm việc và đã đáp ứng tất cả các yêu cầu của UBND phường Vạn Phúc, phóng viên Báo Thanh tra vẫn chưa được người có thẩm quyền của UBND phường Vạn Phúc mời làm việc cũng như chưa được cung cấp bất kỳ thông tin gì.

Tiếp theo, ngày 9/5/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến việc cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Dự án xây dựng Trường THCS Khu tái định cư Phiêng Nèn, Sơn La. Mặc dù phóng viên đã đến trước giờ xét xử và xuất trình đầy đủ giấy giới thiệu, giấy tờ tùy thân để dự phiên toà, nhưng, vị Chủ tọa, Thẩm phán tòa vẫn không đồng ý cho phóng viên tác nghiệp trong phiên tòa. Dù phóng viên đã nhiều lần giải thích về quy định tác nghiệp khi chưa được cấp thể nhà báo, và liên tục giải thích việc Giấy giới thiệu có nội dung làm việc cụ thể, có giá trị pháp lý cho phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa nhưng Chủ tọa phiên tòa vẫn khăng khăng không chấp nhận.

Gần đây nhất, nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến các sai phạm về đất đai, khoáng sản tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nhằm đem đến bạn đọc những thông tin khách quan, chính thống, giải đáp những hoài nghi của dư luận, ngày 13/5/2019 PV Báo TN&MT đã liên hệ với Văn phòng HĐND & UBND huyện Cao Lộc để làm việc với lãnh đạo UBND huyện. Tuy nhiên sau nhiều ngày chờ đợi, PV vẫn không nhận được câu trả lời từ những người có trách nhiệm ở đây.

Nhiều nơi người phát ngôn còn thiếu tính chuyên nghiệp (ảnh minh họa)

Nhiều nơi người phát ngôn còn thiếu tính chuyên nghiệp (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc tương tự vẫn còn tồn tại khi phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí khi muốn tiếp cận để có được thông tin chính xác nhất đến người dân thì nhiều lãnh đạo ban, bộ ngành đã tìm cách trách né. Tháng 3/ 2019, UBND tỉnh Cà Mau đã phải gửi công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cần có cư xử chuẩn mực về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Bởi trước đó, trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức, có nhiều phóng viên phản ánh về việc Chủ tịch UBND huyện Thới Bình hay né tránh, ít phối hợp cung cấp thông tin cho phóng viên báo chí; thái độ tiếp xúc với báo chí thiếu tính hợp tác, thân thiện.

Hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ông Võ Văn Luận, chánh văn phòng UBND TP.HCM, thẳng thắn thừa nhận hiện còn một số lãnh đạo cơ quan nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của báo chí và công tác phát ngôn cho báo chí nên chưa quan tâm đúng mức. Nhiều nơi người phát ngôn còn thiếu tính chuyên nghiệp, không nắm chắc thông tin, không đủ bản lĩnh, việc phản hồi cung cấp thông tin chậm, thậm chí có nơi còn né tránh báo chí.

Không được né tránh cung cấp thông tin

Nhiều năm qua Chính phủ rất nỗ lực chỉ đạo thực hiện minh bạch thông tin tới người dân thông qua báo chí, thể hiện bằng: Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ); Luật Báo chí sửa đổi 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), trong đó Khoản 3, Điều 6 về Nội dung quản lý nhà nước về báo chí quy định rõ hai vấn đề: “Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí”. Như vậy cung cấp thông tin cho báo chí là vấn đề luật định. Và nội dung này tiếp tục được làm rõ tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP (Nghị định) do Chính phủ ban hành ngày 9-2-2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa ban hành Chỉ thị 22-CT/TU về tăng cường thực hiện phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa ban hành Chỉ thị 22-CT/TU về tăng cường thực hiện phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Cùng với Luật báo chí có ban hành sửa đổi bổ sung 2 lần vào năm 1999 và 2016. Hoạt động báo chí cơ bản phát huy mặt tích cực, góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, hoạt động quản lý báo chí của các cơ quan chức năng cơ bản tốt.

Tuy nhiên, thực tế thì việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp khó khăn như  trên một số cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cử người không đủ quyền cung cấp thông tin hoặc chậm đưa thông tin chính thống hay có tâm lý né tránh không muốn trả lời những vấn đề liên quan đến cơ quan, địa phương mình, đặc biệt là về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hiện tượng các phóng viên chầu chực ở nhiều cơ quan Nhà nước để mong chuyển tải những thông tin chính thống tới bạn đọc, nhưng đáp lại là “cổng đóng, then cài”; hoặc là những lời khất hứa: “lãnh đạo bận họp”, “người phát ngôn ốm, hẹn khi khác”… vẫn liên tục diễn ra.

Có thể thấy rằng, với chức năng giám sát và phản biện xã hội, báo chí rất cần  những thông tin kịp thời, chính xác về các vấn đề thời sự, thiết thực, được người dân quan tâm. Việc công khai, minh bạch thông tin là một tiêu chí xác định sự phát triển của một xã hội văn minh. Sự chậm trễ, thiếu chủ động trong cung cấp thông tin một phần buộc báo chí phải khai thác từ các nguồn tin khác nhau trong đó có những nguồn tin chưa được kiểm chứng dẫn đến những nguy cơ sai sót không về thông tin. Nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cơ hội cho các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng 3/6, về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, vấn đề này một lần nữa được nhắc tới thể hiện sự quan tâm của cử tri. 

Do đó, người đứng đầu, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phải cung cấp thông tin chính thống về vụ việc liên quan, tạo thuận lợi cho báo chí tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời; không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đồng thời, các cấp cơ quan cần rà soát, bổ sung quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn; chỉ đạo, đôn đốc các sở ban ngành địa phương thực hiện nghiêm quy chế, tạo thuận lợi cho nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp, góp phần nâng cao tính minh bạch, đáp ứng nhu cầu thông tin lành mạnh của nhân dân.

Nguyệt Hồ/Công Luận