Phạm nhân được dạy nghề trình độ sơ cấp hoặc đào tạo thường xuyên

17:09 - 08/11/2019

Căn cứ vào khả năng của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, các trại giam tổ chức bồi dưỡng nâng cao tay nghề và tổ chức dạy những nghề phổ thông, đơn giản cho người chưa có nghề; phối hợp với các trung tâm dạy nghề hoặc các trường nghề để tổ chức dạy nghề cho phạm nhân.

Đây là một trong những nội dung được nêu tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự do Bộ Công an soạn thảo.

Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính, sức khỏe, điều kiện thực tế của trại giam. Học nghề là bắt buộc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi.

 Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Phạm nhân được dạy nghề trình độ sơ cấp hoặc đào tạo thường xuyên.

Đối với trình độ sơ cấp: Phạm nhân được học tối thiểu là 300 giờ với 03 mô - đun đào tạo, được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học. Chương trình đào tạo trình độ sơ cấp phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, tính hệ thống, thực tiễn và phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, dịch vụ; linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của kỹ thuật công nghệ và thị trường lao động.

Đối với đào tạo thường xuyên: Phạm nhân được học theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề hoặc được học các nghề có thời gian thực học từ 100 giờ đến dưới 300 giờ và thời gian khóa học (từ khi khai giảng đến khi bế giảng) dưới 03 tháng. Chương trình đào tạo thường xuyên phải bảo đảm tính thiết thực, giúp người học có năng lực thực hiện được các công việc của nghề học, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng năng suất lao động. Sau khi học xong phạm nhân làm được các công việc đơn giản hoặc công việc có tính lặp lại của một nghề và các kỹ năng cần thiết khác tương thích với nghề; hiểu biết và có kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động.

Chương trình, nội dung đào tạo được Hội đồng thẩm định và người đứng đầu cơ sở đào tạo phê duyệt và ban hành.

Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức dạy nghề cho phạm nhân bao gồm: Ngân sách Nhà nước bảo đảm trong dự toán kinh phí hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; trích kinh phí thu được từ kết quả lao động của phạm nhân theo quy định của pháp luật; đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng quy định các ngành nghề đào tạo cho phạm nhân căn cứ vào điều kiện thực tế và nhu cầu lao động tại địa phương.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ