Phát hiện thêm 20 vệ tinh mới, Sao Thổ trở thành "nhà vô địch" về mặt trăng

10:15 - 08/06/2020

Với việc phát hiện thêm 20 mặt trăng, Sao Thổ hiện có đến 82 mặt trăng, "qua mặt" Sao Mộc, trở thành hành tinh có nhiều mặt trăng nhất trong hệ Mặt trời.

Các nhà thiên văn học đã tìm thấy 20 mặt trăng mới quay quanh Sao Thổ, nâng tổng số mặt trăng của hành tinh này lên con số 82.

Với phát hiện này, Sao Thổ đã “qua mặt” Sao Mộc (79 mặt trăng), trở thành hành tinh có nhiều mặt trăng nhất trong hệ Mặt trời.

Một trong những mặt trăng mới phát hiện có quỹ đạo xa nhất được biết đến xung quanh sao Thổ, và tất cả đều na ná nhau về kích thước, với đường kính khoảng ba dặm (5 km).

Thêm 20 mặt trăng của Sao Thổ được phát hiện, một số trong chúng quay thụt lùi so với phần lớn các mặt trăng tự nhiên khác. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / Viện Khoa học Vũ trụ / Paolo Sartorio / Shutterstock.

Hai trong số các mặt trăng mất khoảng 2 năm để quay một vòng quanh quỹ đạo, trong khi 18 mặt trăng còn lại mất hơn 3 năm để làm điều đó.

17 mặt trăng mới quay quanh Sao Thổ theo chiều ngược lại so với phần lớn các vệ tinh tự nhiên khác của hành tinh.

Trước đó, các nhà thiên văn cũng phát hiện có nhiều mặt trăng của Sao Thổ di chuyển thụt lùi quanh quỹ đạo.

Bằng cách nhìn vào khuynh hướng của chúng, các nhà thiên văn học nghi ngờ những mặt trăng này có thể là một phần của mặt trăng “mẹ” bị vỡ.

Titan, mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / Space Science Institute. 

Các mặt trăng được phát hiện bởi một nhóm các nhà thiên văn học do Scott S. Sheppard dẫn đầu tại Viện Khoa học Carnegie, Mỹ và sử dụng Kính viễn vọng Subaru tại Mauna Kea, Hawaii.

Titan là mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ, lớn thứ hai trong hệ Mặt trời, chỉ xếp sau mặt trăng Ganymede của Sao Mộc; lớn hơn 50% về đường kính và lớn hơn 80% về khối lượng so với Mặt trăng của Trái đất, được phát hiện năm 1655.  Titan thậm chí còn lớn hơn cả hành tinh Sao Thủy.

Một số mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ. Nguồn: NASA/Pinterst. 

Đây được coi là mặt trăng duy nhất trong hệ Mặt trời có bầu khí quyển riêng, gồm hydrocacbon như metan; và là vật thể duy nhất trong hệ Mặt trời có bằng chứng rõ ràng về nguồn nước bề mặt. Bởi vậy nó thường được miêu tả như một vệ tinh có những đặc điểm giống hành tinh.

Sao Thổ là hành tinh thứ sáu và là hành tinh lớn thứ hai về đường kính cũng như khối lượng trong hệ Mặt trời; hành tinh cuối cùng có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái đất.

Titan là mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ, lớn thứ hai trong hệ Mặt trời, chỉ xếp sau mặt trăng Ganymede của Sao Mộc; lớn hơn 50% về đường kính và lớn hơn 80% về khối lượng so với Mặt trăng của Trái đất. Nguồn: NASA universetoday.

Sao Thổ cách Mặt trời khoảng 9 lần so với Trái đất. Năm sao Thổ bằng khoảng 29,5 năm Trái đất. Tuy nhiên, ngày của nó dài chưa đến 11 giờ.

Đây là hành tinh khí khổng lồ với bán kính trung bình bằng 9 lần bán kính Trái đất. Bởi là hành tinh khí, khối lượng riêng trung bình của Sao Thổ chỉ bằng 1/8 so với của Trái Đất, do vậy tuy thể tích lớn hơn Trái đất 763 lần nhưng khối lượng của hành tinh cao gấp 95 lần khối lượng của Trái Đất.

Huy Anh/ baovephapluat.vn