Phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến

23:04 - 19/08/2018

(TTV) - Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 135 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, là ''địa chỉ đỏ'' trong hành trình "về nguồn" của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

 

Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập
Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập

Trong những ngày thu tháng 8 lịch sử, về với mảnh đất Hậu Lộc, địa chỉ được nhiều người tìm đến là Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập - một trong những người chiến sỹ cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Ông là người có công phát triển Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Thanh Hóa, là bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ lâm thời và Tỉnh bộ chính thức. Từ năm 2016, sau khi được khánh thành, Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập đã đón hàng nghìn lượt khách đến dâng hương và tham quan mỗi năm. Nhà lưu niệm mẹ Tơm, nhà lưu niệm chiến sỹ cách mạng Nguyễn Chí Hiền,…cũng là những “địa chỉ đỏ” góp phần lưu giữ lịch sử hào hùng trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đóng góp của nhân dân toàn tỉnh, các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến được trùng tu, tôn tạo. Đó là những địa điểm đánh dấu sự ra đời và hoạt động của các tổ chức đảng; địa điểm hoạt động bí mật của các chiến sĩ cộng sản; những địa điểm sản xuất, phục vụ kháng chiến như: Hàm Hạ, Yên Trường - Thọ Lập, chiến khu du kích Ngọc Trạo, Lò Cao kháng chiến… Các di tích đã phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thể hiện lòng biết ơn của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa đối với các thế hệ đã đóng góp, hy sinh cho độc lập dân tộc, để từ đó viết tiếp trang sử vàng truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Mai Phương – Văn Lộc