Phát triển các mô hình kinh tế dựa vào rừng

08:43 - 02/03/2021

(TTV)- Xã Xuân Thái, huyện Như Thanh là 1 xã miền núi có trên 7000 ha rừng, trong đó có hơn 3000 ha rừng phòng hộ, 3000 ha rừng đặc dụng và hơn 1000 ha rừng sản xuất. Người dân Xã Xuân Thái đã xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng từ rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Hà Văn Thuyên, thôn Ba Bái, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh có kinh nghiệm nuôi hươu cho giá trị kinh tế cao. Năm 2014, được Vườn Quốc gia Bến En hỗ trợ 4 con hươu giống, vài năm nay ông Thuyên luôn duy trì đàn hươu 15 con.

Trong đó, có 7 con hươu sinh sản để bán giống, còn lại là hươu đực để lấy lộc nhung. Theo ông Thuyên, bình quân hươu giống bán được 18-20 triệu đồng/1 con; còn hươu đực cho khai thác khoảng 9 lạng nhung/ năm, giá trung bình 1,5 triệu đồng/ 1 lạng. Ngoài trồng cỏ voi, nguồn thức ăn của hươu của gia đình ông Thuyên khá  phong phú nhờ rừng. Từ nuôi hươu, gia đình ông có thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/ năm. 

Tận dụng nguồn thức ăn từ hoa rừng, các hộ dân xã Xuân Thái đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều thanh niên ở đây cũng đã chọn nghề nuôi ong để khởi nghiệp. Năm 2020, được xã hỗ trợ, Tổ hợp tác nuôi ong mật Xuân Thái được thành lập với 6 đoàn viên đều là đoàn viên thanh niên tham gia. Tổ hợp tác hiện có trên 200 đàn ong, trung bình mỗi đàn cho khoảng 20 lít mật/ năm. Hiện các thành viên trong tổ hợp tác đang tiếp tục nhân đàn và định hướng xây dựng sản phẩm ong mật Xuân Thái thành sản phẩm OCOP của địa phương. 

Theo Thanh Tâm- Văn Tráng/THNM 02/03/2021